“Người chết cũng không yên. Người có lương tâm thì chết rồi để cho người ta yên, còn cố đào bới lên”, bà Đ. nói.
Như VietNamNet đã đưa tin, sự việc chị Lê Thị Hương Mai (SN 1986, trú tại phường Bến Gót, thành phố Việt Trì, Phú Thọ, là cán bộ Phòng Quản lý chất lượng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ) tìm đến cái chết ngày 1/9 nơi dòng sông Lô (thuộc địa phận thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) khiến hai bên gia đình nội ngoại và người thân, làng xóm bàng hoàng.
Mới đây, gia đình chị Mai đã gửi đơn đề nghị lên cơ quan chức năng TP Việt Trì yêu cầu khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ba người bên chồng chị Mai gồm ông S. (chồng), bà Đ. (mẹ chồng) và bà Ng. (chị chồng) vì có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, tội bức tử theo điều 100 của bộ luật Hình sự.
Có chứng cứ thì sẽ khởi tố
Trao đổi với PV VietNamNet sáng ngày 18/9, Đại tá Lưu Đức Tỉnh, Giám đốc Công an TP Việt Trì cho biết, phía công an cũng mới nhận được đơn đề nghị của gia đình chị Mai.
“Từ hôm diễn ra vụ án đến giờ chúng tôi vẫn tiếp tục điều tra, chưa có đơn thì vẫn điều tra. Chúng tôi sẽ tiếp tục điều tra theo nội dung đơn. Nếu có chứng cứ vi phạm pháp luật thì sẽ khởi tố, còn không vi phạm pháp luật thì không khởi tố vụ án”, Đại tá Tỉnh nói.
Thiếu tá Phạm Thế Anh - Đội trưởng đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP Việt Trì, người trực tiếp phụ trách, điều tra vụ án này cho biết, hiện tại phía gia đình chị Mai vẫn chưa cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh rằng những điều viết trong đơn là đúng sự thật.
Quá trình điều tra của cơ quan công an cho thấy mâu thuẫn gia đình giữa mẹ chồng và chị Mai là có, nhưng chưa đến mức cao trào. Mâu thuẫn nội bộ gia đình cũng rất khó xác minh.
“Trong nhà nếu hai vợ chồng cãi cọ với nhau thì cũng chỉ có hai vợ chồng biết. Không phải đánh nhau ra ngoài đường mà có hàng xóm chứng kiến, rất khó khăn trong việc xác minh”, Thiếu tá Thế Anh chia sẻ.
Nói về chi tiết sáng 1/9 chị Mai bị gia đình chồng xúm vào đánh, thiếu tá Thế Anh cho biết, chưa có bằng chứng, tài liệu nào chứng minh được điều này, đó mới chỉ là lời nói một phía từ gia đình chị Mai.
Thiếu tá Thế Anh cho biết thêm rằng, trong tin nhắn điện thoại của nạn nhân mà cơ quan công an thu giữ, chị Mai có nhắn tin cho bố đẻ vào lúc 11h8 phút ngày 1/9 với nội dung như sau: “Con xin lỗi bố mẹ, tất cả mọi người trong gia đình, dù là lời xin lỗi muộn màng nhưng con vẫn muốn nói, con không mong được sự tha thứ của bố mẹ và mọi người. Con xin lỗi, ngàn lần xin lỗi bố mẹ”.
“Mình chấp nhận tai tiếng”
Trưa ngày 18/9, PV Báo VietNamNet đã tìm đến nhà riêng của gia đình bà Đ. tại tổ 22 phường Bến Gót, thành phố Việt Trì, Phú Thọ. Mùi hương khói bao trùm cả ngôi nhà, bàn thờ chị Mai và cháu Nghĩa được đặt ngay tại phòng khách. Anh S., bà Đ, chị Ng. lúc này đều có mặt ở nhà. Vài ngày qua, gia đình đang làm lễ cầu siêu cho ba mẹ con chị Mai tại một ngôi chùa cách nhà 20km.
Anh S. cho biết, anh chưa nghe nói về lá đơn này nhưng cũng đoán trước được rằng sự việc sẽ như vậy. “Khi dư luận lắng xuống thì mình cũng lường trước sẽ có cái đơn này. Khuấy động báo chí, khuấy động mạng xã hội chán rồi thì viết đơn”, anh S. chia sẻ.
“Cứ để xem như thế nào, mình không trả lời cũng không thanh minh gì cả, tất cả cứ đến cơ quan công an, mình không dấu đố gì cả. Viết đơn như này càng tốt, để cơ quan công an, pháp luật vào cuộc. Như nào thì pháp luật họ phán xét. Còn nhà họ đoán già đoán non thế nào thì mình không bàn luận thêm”, anh S. bày tỏ.
“Mất con thì ai cũng đau, như nhà mình đây, nhà họ mất một thì nhà mình mất hai. Bây giờ nói thật mình đau nhất là khi tất cả sự việc xảy ra, họ kéo tất cả nhà mình vào, viết bài nọ bài kia bôi xấu. Trên mạng viết như thế nhà mình chấp nhận tai tiếng. Nhưng họ thử nghĩ xem con cái nhà họ như thế, cháu nhà họ như thế, họ rêu rao đăng ảnh lên mạng cho người ta bình phẩm như thế có đáng không" - anh S nói thêm
“Chỉ muốn sự việc chìm lắng đi, để những người sống còn lại và những người đã khuất được ngủ yên. Vợ mình đây, con mình đây mình có trách nhiệm thờ cúng. Vẫn là dâu con mà như thế vợ mình có yên lòng nhắm mắt không”, anh S. bần thần nói.
Ngôi nhà của bà Đ
Khi hay tin về lá đơn, bà Đ. chia sẻ: “Nhà chúng tôi không có sự việc này. Chúng tôi cây ngay không sợ chết đứng”.
Anh S. chia sẻ thêm rằng, khi sự việc xảy ra, bên gia đình nhà ngoại không hề gọi điện hỏi sự việc cụ thể ra sao mà tự suy đoán rồi cung cấp thông tin cho báo chí.
“Nếu mà là thông gia với nhau dù xảy ra việc gì, có nghĩ gia đình mình mắng chửi con dâu thế nọ thế kia, nếu không xuống được đến đây thì có thể điện cho mình. Có thể điện cho mình hỏi hôm đó như nào như nào thì mình sẽ nói luôn. Chẳng cần điện cho mình cũng chẳng cần biết nguyên nhân ra sao đã nói với báo chí là cả nhà nó xúm vào đánh thì mình chịu”, anh S. giãi bày.
Anh S cho biết, anh cũng dự định sau khi lo xong lễ cầu siêu cho vợ sẽ sang bên ngoại nói chuyện: “Mình sẽ là người đầu tiên về nhà vợ mình nói chuyện, sự việc xảy ra như này có trách nhiệm của mình. Mấy ngày trước mình cũng định về nhưng mọi người can vì sợ nỗi đau mất con mất cháu họ làm liều, mình không sợ chuyện đó. Nhưng khi chưa xong xuôi công việc, mình còn đang bận tâm vào việc ma chay thì ngay lập tức họ có bài viết như thế, khuấy động lên như thế, thì thôi, mình cũng không về nữa. Mất 1 mà nói 10 như thế thì thôi”.
Anh S. chia sẻ thêm rằng, thời điểm vớt xác vợ, do bên thợ lặn yêu cầu người nhà phải đi về, kiêng nếu người nhà ở đó thì sẽ không tìm thấy thi thể nên anh mới về. Về rồi anh lại ra, lại bị đuổi về.
“Những người lớn, kể cả những người bên đằng ngoại biết chuyện đều sẽ hiểu. Nhìn lại xem, lúc mình chờ đoàn xe tang về thì thấy bên nhà vợ có ai đưa tiễn đâu. Thương chị kêu giời kêu đất lên nhưng có lên ngồi cùng xe tang đâu, đi riêng, đoàn nhà mình đi cùng thi hài vợ con mình. Chỉ nhăm nhăm chụp ảnh nọ ảnh kia. Mình ra mộ thắp hương trước, nán ngồi lại đấy, châm thuốc hút thì lén chụp ảnh đấy cung cấp cho báo chí. Không còn gì để nói nữa”, anh S. nói.
“Báo chí có viết thế nọ thế kia nhưng mình không cảm thấy hổ thẹn. Tìm kiếm, ma chay đến bây giờ đã xong. Nhà mình lo như nào thì cơ quan, làng xóm đoàn thể người ta biết”, anh S. nói thêm.