Tin tức trên VTC News và Pháp Luật TP.HCM cho hay, sáng 31/3, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, lãnh đạo Vụ Công tác Học sinh Sinh viên đã trực tiếp về tại trường THCS Phù Ủng để làm việc với Chủ tịch tỉnh Hưng Yên, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hưng Yên, lãnh đạo huyện Ân Thi và các cơ quan chức năng của tỉnh cùng cán bộ nhà trường.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên ông Nguyễn Văn Phóng nêu rõ, đây là vụ việc hết sức đau lòng, đáng tiếc, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của ngành giáo dục, thầy, cô giáo và địa phương.
Nữ sinh Y. tại bệnh viện. Ảnh: Internet
Ông Phóng nêu rõ, sẽ xem xét làm quy trình xử lý cách chức toàn bộ Ban giám hiệu, cách chức Chi uỷ, cách chức Tổng phụ trách đội, xem xét kỷ luật Hội đồng kỷ luật nhà trường vì bao che nương nhẹ.
Đối với giáo viên chủ nhiệm, cơ quan chức năng sẽ xem xét xử lý bằng hình thức nặng hơn vì không nắm được tâm tư, nguyện vọng, diễn biến tâm lý học sinh.
Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh đề nghị xem xét về vấn đề hạnh kiểm của các học sinh tham gia đánh nữ sinh Y. và hạnh kiểm các học sinh chứng kiến bạo hành nhưng không can ngăn, quay clip.
Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên thông tin, đã chỉ đạo Giám đốc Công an tỉnh tăng cường lực lượng chuyên môn nghiệp vụ phối hợp cùng huyện Ân Thi vào cuộc điều tra và sớm làm rõ nguyên nhân vụ việc cũng như sai phạm, trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xử lý.
Người đứng đầu UBND tỉnh cam kết, nếu trên địa bàn xảy ra sự việc tương tự sẽ xử lý nghiêm như ở trường Phù Ủng. Qua đây, cũng là bài học cho tất cả các trường, giáo viên trên địa bàn tỉnh để phòng tránh những vụ việc tương tự, không để xảy ra bạo lực học đường.
Tại cuộc họp, ông Nhữ Mạnh Phong - hiệu trưởng Trường THCS Phù Ủng - báo cáo vụ việc xảy ra vào cuối giờ học ngày thứ 6 (22-3).
Ông Nhữ Mạnh Phong - Hiệu trưởng Trường THCS Phù Ủng. Ảnh: VTC News
Theo đó, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng kỷ luật nhà trường, Hiệu trưởng Nhữ Mạnh Phong đã đề nghị đình chỉ 5 em học sinh này đến hết năm, nhưng sau đó các gia đình xin chỉ đình chỉ 1 tuần vì các em là học sinh cuối cấp.
Cô giáo chủ nhiệm lớp cũng cho biết sau khi được học sinh báo tin, thấy sự việc nghiêm trọng ngoài giới hạn xử lý của mình nên đã báo ban giám hiệu nhà trường chỉ đạo xử lý.
Theo đại diện gia đình nữ sinh bị đánh, cô giáo chủ nhiệm và nhà trường đã không thông tin đúng sự thật, nhằm giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng. Chỉ khi được xem clip, gia đình mới bàng hoàng biết rõ con, cháu mình đã bị đánh đập dã man như thế nào nên tiếp tục có đơn đề nghị xử lý nghiêm.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ đây là sự việc đau lòng, người lớn sẽ phải chịu trách nhiệm. Ảnh: Tuổi Trẻ
Đánh giá về nội dung này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đặt câu hỏi, nhà trường, bản thân cô giáo đã quan tâm đến việc phòng hơn chống hay chưa, vì trước đó em Y. được các cô nhận xét là ít nói, ít giao tiếp và 5 học sinh kia là nghịch ngợm và cũng đã có những biểu hiện bắt nạt rồi thế thì cô đã có biện pháp gì chưa?
Theo bộ trưởng, trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm (GVCN) là phải sâu sát, chủ động nắm bắt tâm tư, tình cảm, diễn biến tâm lý của học sinh có những biểu hiện gì để phối hợp với nhà trường để có biện pháp ngăn chặn, bảo vệ chứ không thể để xảy ra sự việc đau lòng như vừa rồi.
“Chúng ta nên đưa ra nhiều giải pháp phòng chống chủ động chứ không phải để khi xảy ra sự việc rồi mới tìm giải pháp khắc phục” – Bộ trưởng Nhạ nói.