Sau nhiều ý kiến trái chiều về nội dung dự thảo xử phạt giáo viên dạy thêm cho học sinh cấp tiểu học, Chánh thanh tra Bộ Giáo dục cho biết sẽ điều chỉnh, cụ thể hóa để quy định có tính khả thi, không phải là “đưa ra để chơi”.
Báo Dân Trí đưa tin, theo Dự thảo về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, hành vi dạy thêm cho học sinh tiểu học; học sinh học hai buổi/ngày bị phạt tiền từ 5.000.000 đến 6.000.000 đồng.
Học sinh tham gia một lớp học thêm sau giờ học chính khóa. (Ảnh: Thanh Niên) |
Ngay khi có thông tin, nhiều ý kiến cho rằng việc xử phạt này khó thực hiện. Thực tế hiện nay, phụ huynh vẫn cho con đi học thêm rất nhiều về ngoại ngữ và các môn văn hóa trong và ngoài trường để ôn thi chuyển cấp, hay không ít trường hợp gia đình không có người trông coi cũng để con đi học.
Các lớp học này hầu hết được tổ chức từ đơn xin của phụ huynh. Việc xử phạt không chỉ giáo viên mà cả phụ huynh cũng lo lắng.
Tài khoản Nguyễn Văn Khoa chia sẻ: “Dạy thêm ở tiểu học đôi khi không phải là nhu cầu làm thêm để có thu nhập cho giáo viên mà là nhu cầu của phụ huynh của xã hội. Có cầu thì mới có cung”.
Ngoài ra, giáo viên dạy thêm có cả người trong biên chế, không biên chế hoặc đã về hưu tham gia giảng dạy. Áp theo quy định giáo viên cứ dạy thêm cho học sinh tiểu học bị phạt thì khó khả thi và nhiều người vi phạm.
Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng nói về việc phạt tiền đối với dạy thêm học thêm. (Ảnh: Phụ Nữ Việt Nam) |
Anh Nguyễn Anh Tuấn có chia sẻ: “Bộ GD&ĐT cần có đề án nghiên cứu tổng thể về dạy thêm, học thêm được nghiên cứu bới các nhà khoa học, quản lý, thầy cô giáo và phụ huynh để có định hướng và chỉ đạo về hoạt động dạy thêm, học thêm. Không nên giải quyết vấn đề này theo hướng huống tình huống, “che chắn” dư luận. Nếu như việc dạy thêm, học thêm là thực sự cần thiết khách quan của các cháu, phụ huynh thì phải tôn trọng và có giải pháp quản lý cho tốt”.
Trước bất cập này, ông Nguyễn Huy Bằng – Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết trên Báo Thanh Niên, sẽ xem xét góp ý này để quy định cụ thể hơn về đối tượng, ví dụ xử phạt với GV dạy HS tiểu học do chính mình giảng dạy hoặc xử phạt khi việc dạy thêm đối tượng này ở trong nhà trường… Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, cụ thể hóa cho rõ, dễ áp dụng.
Trang Vũ (tổng hợp)