Sau khi taxi tại TP.Hà Nội dán decal nội dung phản đối Uber, Grab thì TP.HCM cũng đã làm điều tương tự khiến dư luận xôn xao nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có bất kỳ câu trả lời thoả đáng nào.
Theo Công an TPHCM, Dân Trí, Thanh niên đưa tin, sáng ngày 8-10, người dân thành phố bất ngờ khi nhiều xe taxi của hãng Vinasun đồng loạt dán dòng chữ "Yêu cầu Uber và Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam", "Đề nghị dừng Grab và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh".Tuy dán phía sau xe nhưng những miếng decal nền đỏ, chữ vàng khá bắt mắt, thu hút sự quan tâm của người đi đường với thái độ không mấy thiện cảm.
Hàng loạt xe taxi dán decal phản đối Uber, Grab. Ảnh Công an TPHCM |
Một số người cho rằng, mỗi loại hình kinh doanh vận tải hành khách đều có đặc trưng riêng và được pháp luật Việt Nam quy định. Doanh nghiệp không nên dán decal đề nghị doanh nghiệp khác phải dừng hoạt động hoặc thay đổi cách kinh doanh.
Người dân chính là đối tượng tiêu dùng, nên có quyền quyết định sử dụng loại hình dịch vụ nào theo ý muốn, miễn đem lại chất lượng tốt, tiện lợi và an toàn. Nếu muốn cạnh tranh thì doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút khách.
Tại TPHCM, ngoài Vinasun, các hãng taxi khác trong nhóm dịch vụ taxi truyền thống như Mai Linh, Bến Thành, Sài Gòn Tourist, Savico, Vina, SaiGon Air, Hoàng Long... đều chưa ghi nhận có cách phản đối taxi công nghệ như Vinasun.
Trước sự việc trên, trả lời báo chí, ông Tạ Long Hỷ, phó Tổng Giám đốc Vinasun cho rằng đây là việc làm bộc phát từ các tài xế chứ không phải chủ trương của công ty. Ông Hỷ cũng khẳng định, việc dán các khẩu hiệu này là bình thường, không có gì sai phạm. Tuy nhiên, trước phản ánh của dư luận, công ty sẽ tiến hành rà soát, tìm hiểu vì sao tài xế lại làm như thế để có hướng xử lý.
Trái với quan điểm của lãnh đạo công ty, một tài xế taxi Vinasun cho rằng, họ dán khẩu hiệu này là được cấp trên "bật đèn xanh" chứ không phải bộc phát để bỏ tiền ra thiết kế mẫu mã, nội dung khẩu hiệu và đi in ấn đồng loạt.
Theo cánh tài xế, việc dán khẩu hiệu này được tiến hành vào tối 7/10 để kịp "chào sân" vào ngày chủ nhật (8/10). Việc làm trên cũng xuất phát từ "chén cơm manh áo" khi taxi công nghệ ngày càng nhiều, khách hàng lại chuộng taxi công nghệ và lơ là với taxi truyền thống khiến một số tài xế bức xúc.
Đến chiều 8/10, nhiều tài xế đã tự tháo khẩu hiệu dán sau xe vì cho rằng lãnh đạo công ty nói "tài xế bộc phát" là không đúng.
Trong tháng 9-2017, sau khi Hiệp hội Taxi Hà Nội có đơn kiến nghị dừng khẩn cấp kế hoạch thí điểm xe taxi công nghệ tại các địa phương, hàng loạt taxi truyền thống như Vina, Mai Linh, Sao Thủ Đô, Mỹ Đình,... đã dán decal phía đuôi xe với nội dung khẩu hiệu ám chỉ việc mô hình thí điểm đã có số lượng xe quá nhiều và tiền thuế nộp về quá ít.
Theo một số tài xế taxi truyền thống tại Hà Nội,chương trình thí điểm ứng dụng công nghệ khoa học để hỗ trợ quản lý, kết nối hoạt động, vận tải hành khách theo hợp đồng cần phải dừng lại và họ mong muốn Bộ GTVT có giải pháp, phương hướng trong hoạt động chung của taxi.
Taxi truyền thống đã phải chịu quá nhiều chi phí, trong khi đó lượng khách liên tục giảm gây thất thu. Để làm tài xế taxi, một số hãng đã đưa ra Chính sách đặt cọc tiền từ 10-15 triệu đồng, nhưng lương và thu nhập khá ít ỏi; tỷ lệ phân chia Doanh thu giữa tài xế với doanh nghiệp không đồng đều đã làm kinh tế tài xế lao đao.
Cũng trong văn bản của Hiệp hội Taxi Hà Nội gửi tới Thủ tướng Chính phủ kiến nghị dừng hoạt động Uber và Grab tại Việt Nam bởi tổng số xe tham gia thí điểm hiện nay cả Uber và Grab là 50.000 xe.
Theo hiệp hội với doanh thu bình quân 30 triệu đồng/xe/tháng, theo công bố của Uber và Grab, thì một tháng doanh thu của mỗi công ty Uber và Grab là 1.500 tỉ đồng. Tổng số thuế phải nộp của một công ty là 67,5 tỉ đồng/tháng, tương ứng với 810 tỉ đồng/năm.
Ngoài ra, với 20% doanh thu phía Uber và Grab được hưởng thì mỗi năm, dòng tiền từ trong nước chảy ra nước ngoài cho Uber, Grab khoảng 3.600 tỉ đồng, có nghĩa mỗi ngày Uber, Grab đã chuyển ra nước ngoài khoảng 10 tỉ đồng.
Trong thông cáo phát đi sau đó, đại diện truyền thông của Grab bác bỏ thông tin nói trên và khẳng định: "Thông tin mỗi năm Grab chuyển 3.600 tỉ đồng ra nước ngoài là hoàn toàn sai lệch và thiếu căn cứ”.
Cuộc chiến chưa tới hồi kết nhưng những hành động dán băng rôn phản đối Uber, Grab chạy ngoài đường phố của nhiều hãng taxi truyền thống từ Hà Nội tới TP.HCM đang tạo cảm giác rõ ràng là đang có "một cuộc chiến" giữa các taxi truyền thống và xe bắt khách bằng công nghệ. Do vậy, cơ quan chức năng nên sớm có giải pháp để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho hoạt động taxi về lâu dài.
Trao đổi trên báo Thanh Niên, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, luật quy định tại Điều 43 Luật Cạnh tranh 2004 về hành vi gièm pha doanh nghiệp: "Cấm doanh nghiệp gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó". Do đó, các tài xế của Vinasun dán decal trên xe taxi có dấu hiệu của hành vi được xem là gièm pha doanh nghiệp khác.
Uber hay Grab có quyền khiếu nại đến Cơ quan quản lý cạnh tranh nếu cho rằng rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại do hành vi vi phạm cạnh tranh không lành mạnh."Theo khoản 4 Điều 2 Nghị định 06/2006 của Chính phủ thì về cạnh tranh, thì Cục quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công thương có nhiệm vụ và quyền hạn: thụ lý, tổ chức điều tra các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh để Hội đồng cạnh tranh xử lý theo quy định của pháp luật; tổ chức điều tra xử lý đối với các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh và các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh khác theo quy định của pháp luật.”, LS.Chánh cho biết.
Hà Trang (tổng hợp)