Tin mới

Xót xa mẹ nghèo nuôi hai con bại não, ung thư bệnh viện trả về

Thứ ba, 09/06/2015, 15:38 (GMT+7)

Số phận éo le đã cướp đi ước mơ và tuổi xuân của hai chị em trong cùng một gia đình. Không được đi học, không thể tự đi lại, không thể tự sinh hoạt, cuộc đời còn lại của Son và Thành gắn với chiếc giường trong căn nhà cấp 4 tuềnh toàng.

Số phận éo le đã cướp đi ước mơ và tuổi xuân của hai chị em trong cùng một gia đình. Không được đi học, không thể tự đi lại, không thể tự sinh hoạt, cuộc đời còn lại của Son và Thành gắn với chiếc giường trong căn nhà cấp 4 tuềnh toàng.

Ngôi nhà cấp 4 tuềnh toàng của vợ chồng anh chị Trần Văn Đông, Trần Thị Xuân tại xóm Đạc 9, cụm 5, xã Thọ Xuân huyện Đan Phượng nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng xung quanh.

Phía ngoài căn nhà tuềnh toàng của gia đình anh Đông, chị Xuân

Tìm về Thọ Xuân vào một ngày nắng nóng, gặp chị Xuân đang tất tả chạy ra chợ để mua dưa về làm canh chan với cơm mà chúng tôi không khỏi ngậm ngùi. Trong căn nhà cấp 4, hai người con gái là Trần Thị Son (1990) và Trần Thị Thành (1993) đang nằm hiếng mắt lên chiếc tivi.

Chân tay, cơ thể của Son và Thanh teo lại, không thể tự vận động được.Chia sẻ về câu chuyện đau lòng của mình, chị Xuân cho biết, chị và anh Đông kết hôn năm 1984, anh chị có với nhau 3 người con, người con cả là Trần Đình Hưng và hai người con gái là Trần Thị Son và Trần Thị Thành.

[mecloud]tkChXl0Zmn[/mecloud]Hưng đang làm thêm ở Hà Nội, với một khoản tiền không mấy dư dả, chỉ có thể tự chăm lo, trang trải cho cuộc sống của mình. Số phận trớ trêu khi cả Son và Thành khi sinh ra đã mắc chứng bệnh bại não bẩm sinh, khiến cơ thế, chân tay teo lại và dần mất đi chức năng điều khiển hoạt động.

Bữa cơm trưa vỏn vẹn chỉ có rau dưa, canh óc đậu và vài lát đậu phụ của gia đình chị Xuân

Mọi hoạt động sinh hoạt, từ ăn uống, vệ sinh đều phải nhờ vào người khác. Chị Xuân đã đưa con đi chữa trị ở bệnh viện Đan Phượng, rồi đưa ra Hà Nội, nhưng các bác sỹ đều lắc đầu. Chị ngậm ngùi mang con về với hy vọng sống mong manh.

Từng tìm đến với Trung tâm bảo trợ xã hội ở Xuân Mai, nhưng cũng bị từ chối với lý do cả hai con chị không thể tự rửa mặt, tự sinh hoạt, người của trung tâm không thể đủ để có thể một người chăm cho một người được.Nén nỗi đau cùng tủi phận, chị Xuân mang con về, tìm bất cứ việc gì để có tiền đưa con đến bệnh viện để khám và lấy thuốc.

Vì mỗi lần không uống thuốc khoảng 1 tuần, cơ thể của Son và Thành lại đau nhức. Vợ chồng chị đi bốc gạch thuê, ai gọi là đi, bất kể giờ giấc. Mỗi ngày cũng kiếm được từ 50 đến 70 ngàn đồng.

Mỗi lần đưa Son và Thành đi viện, chị lại vay chỗ nọ, chỗ kia, khi thì 2, 3 triệu khi thì lên đến 5, 6 triệu.Từ khi biết mình mắc bệnh, Thành cảm thấy mặc cảm, bức xúc, buồn chán nên dẫn đến xuất huyết dạ dày, chị Xuân một lần nữa lại đôn đáo đưa con đi viện, nhưng bị trả về. “Tôi tưởng lần đó, không thể cứu sống được nó nữa nhưng may nhờ bác y tá quân đội cùng làng cứu, nó mới sống được đến giờ”Nỗi đau chưa dừng lại, Son lại mắc thêm chứng u vú, giờ đã di căn sang cả hai bên. Cứ mỗi tháng, chị Xuân đều phải đưa Son ra viện K (HN) để khám và lấy thuốc cầm chừng. 

Gánh nặng đè lên đôi vai

Bất chấp những lời dèm pha của những người xung quanh khi bảo con chị dị dạng... rồi có người còn nói gia đình chị ăn ở thất đức, nên mới đẻ ra đứa con như thế. Chị Xuân vẫn yên lặng, thu lo và vun vén chăm sóc cho hai đứa con gái của mình.

Chị Xuân cho đút cơm cho Thành và Son trong bữa trưa

Son và Thành từ khi mắc bệnh, đều không thể tự đi lại được. Mọi hoạt động, sinh hoạt đều phải nhờ đến người khác. Anh Đông, chồng chị Xuân có vấn đề về thần kinh, đi đâu quên đấy, đi đâu cũng phải người dắt đi chứ không nhớ được đường.

Mọi gánh nặng đè lên đôi vai của chị Xuân cùng bà nội đã gần 90 tuổi.Trước đây, bà Lê Thị Tý có thể giúp cho Son, Thành ngồi dậy, đút cơm cho ăn, cho đi vệ sinh, nhưng giờ sức khỏe ngày càng yếu, không thể nâng hai đứa cháu dậy được, nên bà chỉ có thể giúp cho Son, Thành những việc nhẹ nhàng như rửa mặt, gãi ngứa cho hai đứa.Mỗi lần cần ăn uống hay đi vệ sinh, Son và Thành đều phải gọi điện cho chị Xuân. Đang làm dở công việc người ta thuê, chị cũng phải tất tưởi đạp xe về nhà để giúp con.

Chị tâm sự “Có những hôm mệt quá, vừa đưa con đi vệ sinh mà vừa ngủ gật, giờ sức mình cũng yếu dần đi, không thể khỏe mãi được như xưa nữa”.

Ước mơ giản dị

Trên chiếc bàn nhỏ, là những tờ giấy vẽ nguệch ngoạc, cùng mấy hộp bút màu. Chia sẻ về ước mơ của mình, Thành hào hứng “Em thích vẽ lắm, nhất là thiết kế thời trang, vẽ thời trang. Ngày trước lúc còn khỏe, tự ngồi được, em tự vẽ, tự tô màu, giờ yếu rồi, không vẽ đươc nữa. Chị Son thì yếu hơn em nên chỉ tô màu được thôi”.

Hộp bút màu cùng những bức tranh tô màu của Thành khi em còn khỏe có thể tự ngồi được

Chị Xuân cho biết, những ngày nằm ở viện K, Son bảo chỉ ước mong lấy được chồng giàu có cho bố mẹ đỡ vất vả. Không khí bỗng nhiên trầm xuống, Thành tâm sự “Giờ em chỉ mong có tiền để mua thuốc chữa bệnh, giúp cho mẹ và bà đỡ vất vả hơn thôi”...

Mọi tấm lòng hảo tâm xin gửi về theo địa chỉ Trần Thị Xuân, Trần Văn Đông, xóm Đạc 9, Cụm 5, xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng, Hà Nội.

SĐT: 0989 070435


Minh Di

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news