Tin mới

Xúc động cuốn nhật ký chiến tranh hơn 40 năm lưu lạc trên đất Mỹ

Chủ nhật, 12/07/2015, 15:45 (GMT+7)

Điều đặc biệt, viết về chiến tranh nhưng người chiến sỹ này không nhắc nhiều đến những cuộc chiến khốc liệt mà chủ đạo trong đó là những dòng tâm sự đầy ngọt ngào với người yêu. Một đặc điểm nữa đó là hình ảnh những bông sen hồng được vẽ lặp đi lặp lại nhiều lần trong cuốn nhật ký này.

Cuốn nhật ký chiến tranh của chiến sỹ Nguyễn Văn Nam được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter trao trả cho Việt Nam trong chuyến thăm vào ngày 1/6 vừa qua.

Điều đặc biệt, viết về chiến tranh nhưng người chiến sỹ này không nhắc nhiều đến những cuộc chiến khốc liệt mà chủ đạo trong đó là những dòng tâm sự đầy ngọt ngào với người yêu. Một đặc điểm nữa đó là hình ảnh những bông sen hồng được vẽ lặp đi lặp lại nhiều lần trong cuốn nhật ký này. Nó như một phép ẩn dụ nhưng rất thật về đời sống tinh thần của người chiến sỹ cách mạng trên chiến trường Nam Bộ.

Cầm cuốn nhật ký của chiến sỹ Nguyễn Văn Nam, điều xúc động khiến tôi không cầm được nước mắt là những vết máu còn thấm đẫm trên từng trang giấy đã cũ. Có lẽ, thời điểm người lính Mỹ ở bên kia chiến tuyến nhặt được cuốn nhật ký này thì chủ nhân của nó đã hy sinh. Sau hơn 40 năm lưu lạc trên đất Mỹ, cuốn nhật ký đã được bảo vệ một cách cẩn thận và được trao trả về Việt Nam. Người giữ cuốn nhật ký này hy vọng được trao tận tay cho những người thân của chiến sỹ Nguyễn Văn Nam nơi quê nhà.

Cuốn nhật ký đặc biệt

Hình ảnh cuốn nhật ký của liệt sỹ Nguyễn Văn Nam.

Đây là cuốn nhật ký được đích thân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Ashton Carter trao cho đồng cấp Việt Nam – Bộ trưởng bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh trong chuyến thăm Việt Nam vào đầu tháng Sáu vừa qua. Theo Bộ trưởng Carter, thông qua việc trao lại các kỷ vật chiến tranh, phía Mỹ mong muốn tiếp tục công việc hàn gắn những vết thương quá khứ. Khi trao cuốn nhật ký này, ông Ashton Carter phát biểu: “Tương lai của chúng ta thật tươi sáng, nhưng khi cả hai nước cùng nhau hướng về phía trước, chúng ta không được phép quên đi quá khứ. Mỹ tiếp tục duy trì cam kết sẽ làm việc với Việt Nam để giải quyết tốt các vấn đề còn tồn tại sau chiến tranh. Hôm nay, để tỏ lòng trân trọng cũng như tưởng nhớ đến những người lính trong quá khứ, tôi xin trao lại hai kỷ vật từ thời chiến tranh cho người Việt Nam. Quân đội Mỹ chúng tôi mong muốn và hy vọng những kỷ vật này sẽ được trao trả về cho người thân trong gia đình của người lính ấy”. Hiện tại, cuốn nhật ký được lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam và đang trong quá trình xác minh người thân của chủ nhân cuốn nhật ký.

Theo quan sát của chúng tôi, cuốn nhật ký được viết bằng bút bi, trong một cuốn sổ tay nhỏ vừa đủ để cho vào túi áo. Hiện những trang nhật ký còn in đậm nhiều vết máu thấm đẫm trong các trang viết. Có lẽ, thời điểm mà người lính Mỹ ở phía bên kia chiến tuyến nhặt được thì chủ nhân của cuốn nhật ký đã hy sinh. Nhiều người cho rằng, có thể cuốn nhật ký đã thấm máu của người chiến sỹ cách mạng. Theo những gì người chiến sỹ này ghi chép, cuốn nhật ký được viết vào thời điểm từ năm 1971 đến năm 1972 tại chiến trường phía Nam. Địa danh được nhắc đến đầu tiên trong cuốn nhật ký là sông Vàm Cỏ Đông (một chi lưu trong hệ thống sông Đồng Nai). Rồi tiếp đó là dòng Cửu Long. Trong cuốn nhật ký có bức tranh vẽ ngôi nhà sàn của đồng bào Khơ Me. Ngoài ra, chủ nhân của cuốn nhật ký có nhắc đến địa danh xã Minh Nghĩa, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Đặc biệt, điều khiến tôi xúc động là kèm theo cuốn nhật ký là bức ảnh của một người con gái với dáng điệu của một tiểu thư đài các Sài Gòn xưa.

Bức ảnh người con gái được kèm theo trong cuốn nhật ký.

Theo như nội dung trong cuốn nhật ký, người viết có tên là Nguyễn Văn Nam, hoặc Nguyễn Nam. Đọc những trang viết của chiến sỹ này, có thể nhận ra, anh là người sống tình cảm. Trong nhật ký, người viết có nhắc đến tên của một số người, như: Mến gửi em Hà Thị Rốt, Phạm Thị Lịch, trường Trung cấp Nông nghiệp, Hậu Lộc, Thanh Hóa... có lẽ, những người được nhắc đến trong nhật ký là đồng đội hoặc là người thân của anh. Trong gần 20 trang viết không có một dòng chữ nào ghi rõ quê hương anh ở đâu hay anh thuộc đơn vị bộ đội nào. Cũng do lâu ngày, nên các dòng chữ đã phai đi nhiều. Vết máu đã làm nhòe đi nhiều trang viết nên rất khó đọc.

Độc đáo hình tượng hoa sen trong tâm hồn người lính

Trong tất cả các trang viết và vẽ, người chiến sỹ ấy luôn dành nhiều cảm xúc và suy nghĩ của mình về chiến tranh, về tình yêu. Trong đó, có những cảm xúc rất đẹp về sen và trăng ở những khoảnh khắc được nghỉ ngơi giữa hai trận chiến. Như nhiều cuốn nhật ký chiến trường được phát hiện trước đây, trong cuốn nhật ký của Nguyễn Văn Nam có những dòng viết rất rắn rỏi thể hiện ý chí chiến đấu vì mục đích thống nhất đất nước. “Dù chiến tranh 10 hay 20 năm hoặc lâu hơn nữa, thì ta tiếp tục quét sạch nó đi chứ không chịu làm nô lệ”; “Vì chủ nghĩa xã hội, vì lý tưởng cộng sản, thanh niên anh dũng tiến lên”. Hay những trang anh dành để chép bài thơ Chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh... những dòng viết đầy ý nghĩa ấy xuất hiện ở những trang đầu của cuốn nhật ký.

Theo mốc thời gian, đây là một cuốn nhật ký được viết vào thời điểm khốc liệt nhất ở chiến trường Nam Bộ nhưng anh không viết nhiều về cảnh chiến đấu hay sự khốc liệt của chiến tranh. Chiến sỹ Nguyễn Văn Nam dành phần lớn các trang viết để nói lên tâm sự thầm kín của mình về tình yêu và nỗi nhớ. Về những cảm xúc rất thật của anh về người yêu, quê hương, bạn bè. Đặc biệt, hình ảnh hoa hồng, sen và trăng được lặp đi, lặp lại nhiều lần trong các trang nhật ký thể hiện tinh thần lạc quan, lãng mạn của người chiến sỹ cách mạng giữa mưa bom, bão đạn, cái chết luôn cận kề.

Hình tượng hoa sen và trăng được anh đưa vào thơ, vào các trang viết và những nét ký họa đơn giản. Các bức tranh anh vẽ cho thấy tác giả của nó không phải là một họa sỹ nhưng có tâm hồn đậm chất nghệ sỹ. Lần giở các trang nhật ký, thỉnh thoảng ta lại thấy hoa sen, “em” và “anh” cùng xuất hiện trong một bức ký họa. Có những trang viết, người chiến sỹ như chìm đắm trong hương sen. Điểm độc đáo này khiến chúng tôi cho rằng, nơi chiến sỹ Nguyễn Văn Nam chiến đấu lúc đó là chiến trường Tây Nam Bộ. Nơi có dòng Cửu Long với bạt ngàn cánh đồng sen đã mang đến cho anh lính cụ Hồ những tình cảm đặc biệt về loài hoa thanh cao này.

Có những trang viết trong cuốn nhật ký, anh phải thốt lên một cách hóm hỉnh và đầy yêu thương: “Hương sen bay thơm ngát tới lòng anh, chiến trường lửa đạn để dành gửi em”. Điều này cho thấy, người chiến sỹ này rất lãng mạn. Ngoài sen, anh Nguyễn Văn Nam còn nhắc tới hình tượng nữa là trăng. Trăng trong nhật ký cũng đẹp và đầy chất thơ. Tất nhiên, cũng như sen, mỗi lần nhắc đến trăng, anh lính Nguyễn Văn Nam lại nói về tình yêu và người yêu. Người con gái được dành tình cảm lớn nhất, đặc biệt nhất trong những dòng nhật ký này mang tên là Như (không rõ họ – do chữ bị nhòe nên PV không đọc rõ).

 

Anh lính có kỷ niệm sâu sắc với Thanh Hóa

Theo nội dung của cuốn nhật ký thì người chiến sỹ này từng có kỷ niệm sâu sắc với các địa danh như Nông Cống và huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Ở đó, anh có quen những người bạn có tên Hà Thị Rốt, Phạm Thị Lịch, công tác tại trường trung cấp Nông nghiệp, Hậu Lộc, Thanh Hóa. Anh lính cũng có những kỷ niệm tại trường Minh Nghĩa, Nông Cống, Thanh Hóa. Thời điểm mà chủ nhân cuốn nhật ký hy sinh có thể vào cuối năm 1972 hoặc đầu năm 1973. Với những tình tiết này, nếu bạn đọc nào có thông tin về chủ nhân của cuốn nhật ký trên, hoặc người thân của anh hãy gọi điện theo đường dây nóng của chúng tôi để kỷ vật đặc biệt ý nghĩa này được trở về với người thân chủ nhân của cuốn nhật ký.

   

Trinh Phúc

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news