Liên quan đến “sự cố” hết chỉ y tế phải dùng chỉ may quần áo để khâu vết thương ở trạm y tế xã Đại Phong, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, bác sĩ khoa Ngoại cho biết xử lý như vậy là vô cùng liều lĩnh.
Theo tin từ Tuổi Trẻ, bệnh nhân Nguyễn Thị Mới (73 tuổi) bị té rách vùng da đầu hơn 2cm được đưa đi sơ cứu tại trạm y tế xã Đại Phong, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Do không còn chỉ y tế khâu vết thương, cán bộ y tế đề nghị chuyển bà Mới sang trạm y tế xã Đại Minh nhưng gia đình bà Mới không chịu. Trong tình huống cấp bách y sĩ Phan Văn Độ yêu cầu gia đình đi mua chỉ khâu y tế ở các tiệm thuốc bên ngoài nhưng đều không có. Cuối cùng ông Độ bảo người nhà đi xin chỉ may quần áo để khâu vết thương.
"Dùng chỉ may quần áo khâu vết thương là vô cùng liều lĩnh". Ảnh minh họa: Internet |
Trao đổi với chúng tôi về chuyện hy hữu này, Bác sĩ Bùi Ngọc Lâm, nguyên Phó Khoa Khám Ngoại - Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội cho rằng: "Đây là trường hợp đầu tiên tôi nghe chuyện lấy chỉ may quần áo để khâu vết thương như thế. Thời xưa chúng tôi khó khăn cũng không làm vậy mà dùng loại chỉ cotton, có khử trùng đàng hoàng dùng trong y tế".
Theo đó, ông Lâm nhận định, nhân viên y tế xử lý như vậy là vô cùng liều lĩnh.
"Dùng chỉ may quần áo để khâu vết thương, đặc biệt là vết thương ở đầu đối mặt với trường hợp nhiễm trùng và có thể bị uốn ván rất cao. Với vết thương ở đầu khoảng 2 cm thì chỉ cần dùng băng ép và chuyển lên tuyến trên.
Trong trường hợp thực sự thiếu thốn như vậy thì quy trình khử trùng cũng rất phức tạp, đầu tiên phải sấy hấp chỉ và ngâm cồn khoảng 2 giờ đồng hồ", BS Lâm nhấn mạnh.
Dã Quỳ