Không chỉ Đàm Vĩnh Hưng, rất nhiều diva, ca sĩ hàng đầu như Thanh Lam, Lệ Quyên, Thu Phương, Bằng Kiều, Thu Minh, Mỹ Lệ… đều ngưỡng mộ Bảo Yến - đệ nhất danh ca sau 1975.
Thập niên 60, 70 là thời điểm vàng của tân nhạc và Việt Nam, với sự bao trùm của nhiều tên tuổi lớn như Thanh Tuyền, Chế Linh, Duy Khánh, Thái Thanh, Lệ Thu, Khánh Ly… Tuy nhiên, sau 1975, dòng chảy đó dường như chững lại, khiến không khí âm nhạc trở nên ảm đạm.
Thật may mắn, sự xuất hiện của Bảo Yến đã làm cho đời sống âm nhạc sôi động trở lại. Vào thập niên 80, cô gần như là bá chủ sân khấu, danh tiếng trải dài khắp từ Nam ra Bắc, không ai là không biết tới.
Dù khi ấy, điều kiện , truyền thông vô cùng khó khăn, người ta "ăn còn ăn chẳng đủ no, mặc chẳng đủ ấm", nhưng tiếng hát Bảo Yến vẫn lan khắp mọi hang cùng ngõ hẻm. Cô đi diễn tới đâu là cháy sân khấu tới đó. Đúng như lời nhạc sĩ Chung Tử Lưu từng nói:
"Thập niên 80, cái thời bao cấp chưa ai có phone bàn, điện cúp tuần 4 ngày, mạng xã hội là con số không, đài truyền hình chỉ phát từ 7 giờ tối mà sức ảnh hưởng của chị trên toàn quốc đã là khủng.
Trong từng ngóc ngách của khắp mọi miền Việt Nam, đâu đâu cũng nghe tiếng ca của chị văng vẳng. Đó là ca sĩ Bảo Yến, các ca sĩ khác có thể chỉ nổi bật ở vài vùng nhưng chị thì vô địch. Cùng với Nhã Phương, hai chị là 2 ngôi sao lớn nhất thời bấy giờ".
Bảo Yến cũng là ca sĩ được mời thu âm nhiều nhất từ trong nước ra hải ngoại. Cô sở hữu số băng đĩa phát hành và tái bản lớn nhất, cùng lượng bản thu kỉ lục lên tới hàng trăm con số.
Đến "ông hoàng nhạc Việt" như Đàm Vĩnh Hưng còn phải kính nể và cúi mình khi nhắc tới Bảo Yến: "Chị Yến đúng là người có giọng hát kinh khủng khiếp, cất một câu lên thôi là nổi da gà.
Tôi cảm thấy giọng hát của chị thật tuyệt vời qua mọi năm tháng, mọi thời đại. Tôi cảm thấy mình quá nhỏ bé và xấu hổ khi đứng trước giọng hát của chị Yến.
Chị cất lên là cả khán phòng phải im phăng phắc, tôi nghe mà nổi da gà nữa cơ!''.
Còn diva khó tính Thanh Lam cũng thừa nhận: "Tôi thích chị Bảo Yến trong các ca sĩ Việt. Chị hát rất Việt Nam".
Vậy, Bảo Yến là ai mà lại có tầm ảnh hưởng lớn đến như vậy?
Nữ hoàng Bolero độc tôn một ngôi vị
Bolero trước 1975 không có người đứng đầu vì ai cũng tài năng và có tầm ảnh hưởng riêng, như Thanh Tuyền, Thanh Thúy, Phương Dung, Hoàng Oanh… Nhưng sau 1975, Bảo Yến gần như độc tôn ngôi vị nữ hoàng. Trong suốt thập niên 80 tới đầu 90, không có ca sĩ nào đủ sức cạnh tranh với cô.
Dù phát triển sự nghiệp muộn hơn, nhưng Bảo Yến vẫn nhanh chóng đạt tới tầm ảnh hưởng lớn, không thua kém gì các đàn chị đi trước và được trân trọng gọi là danh ca.
Bảo Yến nổi bật nhất ở chất giọng đặc biệt của mình. Cô sở hữu giọng nữ trung trầm (mezzo alto) với âm sắc thổ có độ dày, sâu, tối, nặng và hơi thô ráp, nhưng vẫn ấm áp, mùi mẫn.
Khoảng vang tự nhiên trong giọng hát Bảo Yến rất rộng, kèm theo âm lượng lớn, độ khào độc đáo và nội lực mạnh mẽ bẩm sinh. Tiếng hát này được ví như màu ruby đỏ ấm nóng, lấp lánh từ trong sâu thẳm.
Tất cả những đặc điểm trên tạo nên tiếng hát Bảo Yến có một không hai, không lẫn với cứ ai. Chỉ cần Bảo Yến cất giọng lên cũng đủ khiến người ta nhận ra và say mê.
Bằng chất giọng trời phú này, Bảo Yến luôn trở nên nổi bật hơn mọi ca sĩ hát chung, từ thần thái, cách xử lí tới màu sắc.
Chẳng hạn, trong màn song ca Ở hai đầu nỗi nhớ, Quang Lê dù cố gắng luyến láy, đưa đẩy, màu mè kĩ thuật các kiểu, nhưng vẫn chìm nghỉm ngay lập tức khi Bảo Yến cất giọng lên. Sức nặng và độ đầm của cô chẳng khác nào tiếng đại hồng chung ngàn cân.
Bảo Yến có lối hát Bolero đặc biệt. Thay vì hát cao vút bạch thanh theo lối thông thường, cô lại tập trung vào những quãng trầm ấm, đầy đặn, tạo nên một màu sắc Bolero rất riêng, vừa liêu trai, huyền ảo, lại vừa chân thực, hiện hữu. Giọng hát Bảo Yến được đánh giá là có màu nam tính, nhưng vẫn quyến rũ và hấp dẫn.
Bảo Yến không hát Bolero bằng giọng Nam Bộ như đa số ca sĩ khác mà hát theo hơi hướng Trung Bộ, thay thanh ngã bằng thanh nặng, kèm theo một số đoạn luyến đậm màu ca Huế, tạo nên chất riêng có, nghe rất thân thương, mùi mẫn.
Cách luyến láy, nhả chữ, lả nhịp của cô bao giờ cũng có sự trễ nải, nỉ non, dung hòa giữa các điệu hò, hát ru truyền thống và màu tân nhạc tươi mới, tạo nên sự quyến rũ đậm chất dân tộc, như tấm lưng ong của người sau dải yếm đào.
Nó toát ra điệu hồn rất riêng, chuyên chở theo màu sắc ca dao, tục ngữ, đúng như Thanh Lam nói: "Chị Yến hát rất Việt Nam".
Nếu các ca sĩ Bolero khác hát theo kiểu thanh mảnh, ngân nga giả thanh, bạch thanh dài hơi thì Bảo Yến lại chọn lối hát tự sự, chậm rãi trên quãng chest voice thuần túy (giọng ngực) rất trầm ấm và sâu, nặng, như giãi bày một câu chuyện.
Cô không luyến và hát liền giọng quá nhiều, mà tách bạch từng câu, từng chữ, nhả ra với lực chắc chắn và mạnh, nhưng vẫn giữ được sự mùi mẫn.
Ưu điểm của Bảo Yến là dù hát Bolero, nhưng vẫn tròn vành, rõ chữ và phát âm sạch sẽ, không bị líu díu, đổ vào nhau.
Các thế hệ ca sĩ bolero sau này như Như Quỳnh, Quang Lê, Hà Vân, Long Nhật, Vân Khánh, Cẩm Ly, Quang Linh… đều hâm mộ Bảo Yến vì cô là người phá đi khái niệm "sang" và "sến". Cô không bao giờ ỉ ôi rên rỉ, mà phải rõ chữ và ra đúng cái ngọt ngào của Bolero, đúng như lời nhạc sĩ Hoàng Lương chia sẻ:
"Tròn vành, rõ chữ, thân thiện, truyền cảm, đó là sự khác biệt của giọng ca Bảo Yến. Bảo Yến hát như đọc, nhưng vô cùng sâu lắng, xúc động. Phong cách biểu diễn của cô nhẹ nhàng, nhưng bốc lửa đầy nội lực.
Điều căn bản là giọng ca và bản lĩnh. Cho đến bây giờ sau hơn 30 năm, khó có thể tìm lại một giọng ca nào đặc biệt như thế".
Sinh ra tại vùng miền Trung (Quảng Trị), tiếng hát Bảo Yến mang đậm đặc trưng của phương ngữ nơi đây, đó là phát âm rõ vẫn /s/, /tr/ và /r/.
Cô đã thông minh, khéo léo đưa phương ngữ của mình vào Bolero cũng như những dòng nhạc khác, biến nó trở thành đặc trưng riêng ít ai có. Thường thì chỉ có dân ca mới phát âm rõ /r/, /s/, /tr/ nhưng Bảo Yến dù hát nhạc nhẹ hay Bolero vẫn phát âm rất chuẩn.
Nhạc sĩ Quốc Dũng đã từng nói về Bảo Yến như sau: "Theo tôi, về phương diện phát âm tiếng Việt, tôi chọn Bảo Yến là người khai phá tuyệt vời. Trước Bảo Yến có nhiều ca sĩ không phân biệt s/x, tr/ch, r/gi,…Bảo Yến phát âm các phụ âm tuyệt đối đúng.
Tôi nghĩ các ca sĩ nếu yêu tiếng Việt và muốn người nước ngoài nghe hát có thể học tiếng Việt nên nghiên cứu cách phát âm đó. Bảo Yến hát cũng đúng nhịp, lơi vừa phải, tiết kiệm luyến, không lạm dụng.
Khi hát sân khấu, giọng Bảo Yến rất khỏe, nhưng khi vào phòng thu hát rất tinh tế. Hát bình thường như đang trò chuyện hay đang tỏ tình. Chỉ luyến láy khi thật cần thiết còn bình thường hát thẳng đuột".
Bảo Yến thường luyến ở trên chest voice (giọng ngực) nhiều hơn giả thanh và luyến như rút ruột rút gan, chứ không luyến vô tội vạ và giả như nhiều ca sĩ Bolero ngày nay, nên nghe lúc nào cũng tràn trề cảm xúc.
Khoảng vang tự nhiên trong giọng hát Bảo Yến giúp cô tạo được độ dày, rền và nội lực đặc biệt khi hát Bolero trên quãng trung, tạo nên khí chất đặc biệt ít ai có.
Bảo Yến nhả chữ nào cũng đều chắc chắn và vang xa chữ đó, giúp Bolero trở nên sang trọng hơn rất nhiều. Chẳng mấy ai hát Bolero mà vẫn có thể belt G4 lồng lộng như cô trong ca khúc Hương tình yêu. Cảm giác như Thanh Lam đang hát Bolero vậy.
Cách luyến láy Bolero của Bảo Yến độc đáo hơn cả khi cô dùng tới vocal break (hát ngắt) trên những đoạn luyến vocal fry. Đây là kĩ thuật thường thấy ở dòng R&B Âu Mỹ, nhưng lại được Bảo Yến áp dụng vào Bolero Việt để khiến câu hát trở nên khắc khoải, bâng khuâng hơn.
Ngoài ra, Bảo Yến cũng đặc biệt ở chỗ, thay vì hát bạch thanh theo lối thông thường, cô chuyển sang dùng nasal (giọng mũi) khi hát Bolero.
Trong thanh nhạc chính thống, việc dùng nasal voice là không đúng chuẩn, nhưng bằng sự tinh tế, thông minh của mình, Bảo Yến đã kết hợp vô cùng nhuần nhuyễn giữa nasal voice và Bolero, tạo nên những ca khúc mùi mẫn, đậm đà cảm xúc, mà vẫn tự nhiên, không quá "sến" như nhiều ca sĩ khác.
Mỗi khi kết thúc câu hát, Bảo Yến thường đẩy âm lên xoang mũi rồi ngâm lại ở đó rất lâu, khiến nó cứ ngân nga, kéo dài mãi một cách mùi mẫn, ngọt ngào.
(Còn tiếp phần 2)