Liên quan đến vụ gian lận thi cử tại Sơn La, trong đó có thông tin 1 tỷ đồng cho một suất nâng điểm, ngày 24/5, Cơ quan ANĐT của Công an tỉnh Sơn La hoàn tất điều tra, đề nghị VKSND cùng cấp truy tố 8 bị can về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại Điều 356 Bộ luật hình sự năm 2015.
Công an tỉnh Sơn La xác định, trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tỉnh Sơn La, các bị can: Trần Xuân Yến, Nguyễn Thị Hồng Nga, Đặng Hữu Thủy, Cầm Thị Bun Sọn, Lò Văn Huynh, Nguyễn Thanh Nhàn, Đỗ Khắc Hưng và Đinh Hải Sơn đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, câu kết sửa bài thi, nâng điểm cho 44 thí sinh. Ảnh: Công an Sơn La
8 bị can trong vụ án có liên quan đến việc sửa, nâng điểm cho thi sinh trên địa bàn tỉnh Sơn La trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018.
Đến nay, vụ gian lận điểm thi ở Sơn La trở nên phức tạp khi 8 bị can khai được nhờ nâng điểm thi, song những người liên quan thì nói chỉ "nhờ xem điểm thi" hoặc phủ nhận dính líu. Thậm chí có trường hợp cả số tiền tỉ chi ra để nâng điểm thì đến giờ cũng không ai nhận là của mình.
Ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La được cho là nhờ vả cấp dưới can thiệp 8 trường hợp. Ảnh: Công an Sơn La
Trên VietNamNet dẫn nguồn tin từ cơ quan ANĐT Công an tỉnh Sơn La, qua quá trình điều tra, bị can Nguyễn Thị Hồng Nga khai nhận đã thỏa thuận, nhận số tiền 1.040 triệu đồng từ Trần Văn Điện khi giúp sửa bài thi nâng điểm cho các thí sinh Nguyễn Thanh H., Nguyễn Văn M., Trần Ích Q., Ngần Văn Ch. Bà Nga và người thân đã tự nguyện giao nộp tiền cho cơ quan công an. Tuy nhiên, Trần Văn Điện và người thân các thí sinh không thừa nhận việc này.
Trước thông tin về việc chạy điểm bằng tiền, trao đổi với PV VOV, chị Lò Thị Hạnh (phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La) cho biết, đã nghe thông tin về việc này ở thành phố từ lâu, nên không mấy bất ngờ trước thông tin này. Thời gian trước có người còn kể với nhiều người khác việc mất bao nhiêu tiền để lo lót cho con đỗ đại học. Rồi khi đường dây chạy điểm vỡ lở, có phụ huynh đã thốt lên may quá, vì đã định "nhờ xem điểm trước" cho con, nhưng thấy đòi số tiền cao quá nên không "nhờ" nữa.
Trong khi đó, ông Trần Văn Hà ở thành phố Sơn La cũng không bất ngờ khi nghe tên một số bị can bị đề nghị truy tố, nhiều người đã nghe tên từ lâu. Theo ông Hà, diễn biến của sự việc cho thấy đường dây này đã có sự bàn bạc thống nhất từ trước và phải có sự chỉ đạo từ lãnh đạo Sở. Mong muốn của ông Hà và nhiều người là phải làm rõ và chứng minh được lời khai về số tiền để chạy điểm bởi đó là hành vi đưa và nhận hối lộ. "Vấn đề này quy định của pháp luật đã rõ lắm rồi chỉ có điều là có làm ra hay không?", ông Hà nêu quan điểm.
Mong muốn của người dân Sơn La lúc này là cơ quan chức năng sớm làm rõ việc có hay không, ai đưa tiền, đưa thế nào, quan hệ giữa người đưa và người nhận ra sao. Nếu đúng phải truy ra đến cùng, tránh tình trạng khai để che giấu tội trạng của mình, đẩy cho người khác.
Khi được PV Tiền phong hỏi về trách nhiệm của người đứng đầu trong ngành Giáo dục tỉnh Sơn La khi được cho là gửi gắm cấp dưới để nâng điểm cho 8 thí sinh, ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sơ GD&ĐT Sơn La trả lời: "Sao lại hỏi mình câu đó, khó nói lắm. Có vấn đề gì thì Đảng, Nhà nước sẽ xem xét".