10 kiểm soát viên không lưu vừa bị Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) cho nghỉ việc, không ký tiếp hợp đồng, không trả lương vì trình độ tiếng Anh yếu kém.
Trao đổi trên báo Người lao động, ông Đinh Việt Thắng - Tổng Giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) cho biết, ngày 28/11 đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về kết quả đánh giá lại chất lượng kiểm soát viên không lưu. Trong đó đã xác định được 10 kiểm soát viên không lưu không đạt trình độ tiếng Anh mức 4 (mức khai thác) theo tiêu chuẩn quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
Theo ông Thắng, từ đầu năm đến nay, VATM đã tổ chức 3 đợt đánh giá trình độ tiếng Anh của đội ngũ kiểm soát viên không lưu, kết quả cho thấy có 130 người không đạt yêu cầu mức 4 của ICAO, chiếm khoảng 31% trên toàn hệ thống.
Một kíp trực không lưu tại trung tâm điều hành ACC HCM. Ảnh: Giao thông vận tải
Cả 130 trường hợp không đạt trình độ Tiếng Anh này đều đã bị đưa ra khỏi dây chuyền điều hành không lưu để đào tạo lại, mặc dù trong đó có nhiều người trình độ không lưu vẫn đạt chuẩn. Thay vì cầm micro trực tiếp điều hành bay, những kiểm soát viên không lưu này chỉ được làm công tác hiệp đồng với các đơn vị khai thác mặt đất, phòng không...
Giải pháp đưa ra là ngay sau khi kiểm tra trình độ, VATM đã tổ chức đào tạo tiếng Anh cấp tốc cho 60 trong tổng số 130 kiểm soát viên không lưu không đạt trình độ nói trên rồi tổ chức đánh giá lại. Nhưng khi đánh giá lại đối với 30 người (đợt 1) vẫn có 10 người không đạt mức 4.
Ông Đinh Việt Thắng đã có báo cáo gửi Hội đồng thành viên đề xuất tạm dừng hợp đồng, không trả lương với những nhân viên này và buộc phải đi học tiếp, nếu không đạt yêu cầu sẽ bị sa thải.
Theo báo Giao thông vận tải, theo kết quả đánh giá chất lượng kiểm soát viên không lưu của Tổng công ty Quản lý bay VN, có tới 40% nhân viên đạt mức trung bình và yếu (32% trung bình, 8% yếu). Hiện nay, các đơn vị trong toàn công ty đang tổ chức huấn luyện tăng cường và đánh giá lại toàn bộ lực lượng tham gia điều hành bay, từ trưởng trung tâm kiểm soát, đến kíp trưởng, kiểm soát viên không lưu... Ở cấp cao hơn, Tổng công ty sẽ đánh giá các Công ty Quản lý bay khu vực.
Trước đó, tại buổi làm việc về công tác đảm bảo an toàn hàng không sau một loạt sự cố điều hành bay, đặc biệt là sự cố mất điện khiến đình trệ điều hành bay tại Tân Sơn Nhất, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu TCT Quản lý bay rà soát lại toàn bộ chất lượng nguồn nhân lực, cho nghỉ việc toàn bộ số nhân viên yếu kém. Người đứng đầu ngành Giao thông nhấn mạnh, đây là sự cố nghiêm trọng, không chỉ gây ảnh hưởng đến kinh tế của các hãng hàng không, uy hiếp trực tiếp đến an toàn mà còn ảnh hưởng đến cả uy tín của ngành GTVT và hình ảnh của đất nước.
Sau khi chỉ đạo xử lý nghiêm trách nhiệm và sai sót để xảy ra sự cố "chưa từng có" ngày 20/11, Bộ trưởng chỉ đạo thành lập hội đồng của Bộ GTVT để đánh giá lại toàn bộ chất lượng nguồn nhân lực từ Chủ tịch, Tổng giám đốc đến các nhân viên của Tổng công ty Quản lý bay VN. “Không thể để chất lượng quản lý bay rất thấp, cả về trình độ chuyên môn lẫn kỹ năng như trong báo cáo”, Bộ trưởng nói.
Được biết, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã quyết định tới đây sẽ tiếp tục tổ chức thi tuyển chức Chủ tịch HĐTV Tổng công ty quản lý bay. Trước đó, vào tháng 8/2014, Cục phó Cục Hàng không Đinh Việt Thắng đã được luân chuyển về đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay.
Mai Nguyên (Tổng hợp)