Một số việc làm xuất phát từ sự vô ý của cha mẹ nhưng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển hành vi, tính cách của trẻ sau đó.
1. Nói dối
Có lẽ không người lớn nào là không nói dối dù có thể lời nói dối đó không gây hại cho người khác nhưng dù thế nào bạn cũng không nên nói dối trước mặt con trẻ. Bởi hành động này rất dễ lây nhiễm sang trẻ và điều này rất nguy hại.
Không giống với người lớn biết khi nào nên nói dối, và cũng không hiểu được ranh giới giữa lời nói dối vô hại và có hại. Do đó, khi trẻ học được chiêu nói dối của bố mẹ sẽ áp dụng vô tội vạ. Điều này khiến người lớn khó xác định khi nào là chúng nói thật, khi nào là nói dối dẫn đến khó kiểm soát hành vi cũng như sự an toàn của trẻ. Bên cạnh đó, nó sẽ ảnh hưởng đến tính cách của trẻ suốt quá trình phát triển sau này.
2. Cãi, đánh nhau
Trong cuộc sống gia đình với nhiều thành viên, ắt sẽ có lúc xảy ra va chạm giữa bạn với chồng (vợ) hoặc một thành viên khác sống cùng. Tuy nhiên, vì con trẻ, bạn nên tránh có hành động như cãi vã, đánh nhau khi có mặt chúng. Bởi, những hành vi này sẽ khiến trẻ hoảng sợ và có ấn tượng về một hình mẫu về người lớn không đẹp với trẻ. Ngoài ra, nó sẽ khiến trẻ trở nên bạo lực và có hành vi tương tự với người khác sau đó.
11 việc cha mẹ không nên làm khi có mặt con trẻ, trong đó có cáu giận, la hét. Ảnh minh họa: Internet |
3. Châm chọc hoặc biến trẻ thành trò cười trước mặt những đứa trẻ khác
Đôi lúc bạn vô tình hoặc vô tâm khi châm chọc trẻ, biến chúng thành trò cười trước mặt người khác sẽ làm tổn thương trẻ nghiêm trọng. Dù còn nhỏ nhưng chúng cũng có lòng tự trọng và sẽ cảm thấy xấu hổ, mặc cảm trước mặt người khác, từ đó hình thành sự thiếu tự tin. Bé cũng có thể hình thành những cảm xúc tiêu cực chống lại bạn.
4. Cáu giận, la hét
Cho dù nguyên nhân cơn giận dữ của bạn là gì thì bạn vẫn phải giữa bình tĩnh trước mặt trẻ. Nếu trẻ phải chứng kiến cảnh bạn cáu giận, la hét chúng sẽ sợ sệt và thậm chí càng không dám đến gần bạn.
Ngoài ra, trẻ có thể bắt chước hành vi của bạn sau đó. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển tính cách của trẻ sau này.
5. Lờ đi cảm giác của con
Có thể do quá bận rộn trong công việc hoặc vô tình mà bạn lờ đi cảm giác của con nhất là những khi vui, buồn thì bạn đã không hoàn thành nghĩa vụ của người làm cha mẹ. Bởi, điều này sẽ khiến cho trẻ cảm thấy bị bỏ rơi, nếu lặp lại nhiều lần thì rất có thể khiến trẻ bị trầm cảm hoặc chứng bệnh tự kỷ.
6. Chửi thề
Sẽ có lúc bạn không biết dùng từ gì để miêu tả cảm xúc tồi tệ của mình, và bạn có thể nghĩ tới một vài câu chửi thế. Nhưng bạn nên cố gắng tránh để trẻ nghe được những từ ngữ đó. Trẻ thường học và bắt chước người lớn những cử chỉ, hành động và lời nói. Chính vì thế, nếu lúc nào miệng bạn cũng “dính" với mấy lời nói tục tĩu, thì bạn đang làm gương xấu cho những hành động của trẻ đấy.
7. Bác bỏ mọi ý kiến của trẻ
Nếu trẻ trình bày ý kiến của mình, đừng vội vàng nói "ngậm miệng", ngay cả khi ý kiến đó là ngớ ngẩn. Hãy ngồi xuống và giải thích tại sao đó là một ý kiến tồi, dạy trẻ cách nghĩ có lý trí. Ngay cả khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ cũng nên cho trẻ cơ hội để giải thích rồi sau đó phân tích cho trẻ những lời bao biện đó là không thể chấp nhận được.
8. Say rượu, hút thuốc
Khi chúng ta đang có trách nhiệm chăm sóc những đứa trẻ, đừng làm gì tổn hại đến chúng, kể cả uống rượu lúc chúng đang ngủ. Bạn cũng không nên hút thuốc trước mặt con. Nếu bạn muốn để mặc cho mình bị ung thư phổi, đó hoàn toàn quyết định của bạn. Nhưng con cái bạn thì không đáng bị như vậy.
9. Quan hệ vợ chồng
Vợ chồng khi có con hãy “yêu” ở những chốn riêng tư, đảm bảo không để các con thấy để tránh khơi gợi trí tò mò cho trẻ, khiến chúng cũng muốn làm “trò người lớn” như bố mẹ.
10. Thay đồ
Nếu cha mẹ cứ hồn nhiên thay đồ trước mặt con, nhất là con gái thì dần dần con gái bạn cũng có thói quen "tự nhiên" như vậy, thậm chí kể cả đến khi nó lớn.
11. Hạ mình
Cho dù bạn không hoàn hảo thì con cái cũng phải biết kính trọng và nghe lời bạn. Do đó, trước con trẻ, bạn có thể thẳng thắn xin lỗi con nếu như có hành động không đúng nhưng tuyệt đối không hạ mình trước con. Bởi điều này sẽ khiến con cái sẽ trở nên nhu nhược và không còn biết sợ cha mẹ nữa. Dần dần con sẽ hình thành tính tự cao tự đại.
H.Minh (tổng hợp)