Nhiều khả năng máy bay SU 22 đã nổ trước khi rơi xuống biển, 2 phi công có thể đã hy sinh là nhận định của Trung tướng Võ Văn Tuấn - Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam khi trao đổi với báo chí tối 20/4.
“Rất đau buồn, nhưng chúng tôi đánh giá là hai phi công là trung tá Lê Văn Nghĩa và đại úy Nguyễn Anh Tú gần như không còn khả năng sống sót”, ông Tuấn nhận định trên báo Tuổi trẻ.
Chung nhận định khi trao đổi với phóng viên Vnexpress, Trung tướng Tuấn cho biết, lực lượng tìm kiếm vẫn chưa thấy tung tích hai phi công, khả năng rất cao là hai sỹ quan lái biên đội Su-22 gặp nạn ở vùng biển huyện đảo Phú Qúy, tỉnh Bình Thuận, đã hy sinh.
Theo ông Tuấn, năm ngày qua, lực lượng tìm kiếm huy động nhiều thiết bị hiện đại, phát hiện các mảnh vỡ của 2 tiêm kích Su-22 gặp nạn. Trong đó có rất nhiều mãnh vỡ có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định nguyên nhân và số phận hai phi công.
2 máy bay SU rơi ở Bình Thuận: “2 phi công không còn khả năng sống sót”
"Khi tìm thấy ghế dù, qua phân tích cho thấy bộ phận này rớt xuống nước mới vỡ chứ không phải bắn ghế ra. Vì vậy chuyện phi công nhảy dù trước khi máy bay rơi là không có", Vnexpress trích lời ông Tuấn.
Cũng theo ông Tuấn, thời gian hai máy bay rơi đã năm ngày. Khả năng rất cao là hai may bay đã nổ trước khi rơi xuống biển. Tuy nhiên, muốn biết nguyên nhân và sự việc chính xác cần phải giải mã hộp đen.
"Dựa theo diễn biến sự việc, chế độ bay, thông qua những vụ việc tai nạn máy bay đã thống kê từ trước đến nay ở trong nước cũng như thế giới thì có thể đánh giá được điều này”, ông Tuấn lý giải nhận định của mình trên Tuổi trẻ.
Trao đổi với Vnexpress, ông Tuấn lý giải thêm, việc tìm kiếm khó khăn những ngày qua, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho là do các mảnh vỡ đã bị cuốn trôi khỏi khu vực bị nạn.
"Có khả năng dòng hải lưu mạnh trong ngày xảy ra tai nạn đã cuốn 2 máy bay và các phi công ra xa. Những ngày tới đây, chúng tôi tiếp tục ưu tiên tìm kiếm phi công, sau đó là hộp đen để biết được nguyên nhân tai nạn", Trung tướng Tuấn nói.
Trước việc liên tiếp xảy ra tai nạn máy bay trong thời gian qua, ông Tuấn nói rằng sẽ tổ chức nhiều hội nghị liên quan chuyên môn kỹ thuật, xem lại các yếu tố để đảm bảo an toàn bay.
Như tin tức đã đưa, sau 5 ngày tìm kiếm, lực lượng chức năng đã tìm thấy nhiều mảnh vỡ tại vùng biển hai máy bay Su-22 mất tín hiệu, nhưng vẫn không thấy dấu vết của các phi công.
Tính đến chiều 20/4, lực lượng tìm kiếm cứu hộ cứu nạn đã vớt được nhiều mảnh vỡ như khung và nắp kính buồng lái, thiết bị làm mát buồng lái, thùng dầu phụ, cánh máy bay (cánh đuôi)…
Trước đó, biên đội 2 máy bay Su-22 cất cánh từ sân bay Phan Rang (Ninh Thuận) ra khu vực vùng trời đảo Phú Quý đã mất liến lạc lúc 11h35 ngày 16/4. Khu vực mất mục tiêu ở Bắc đảo Phú Quý khoảng 10-20 km.
Hai phi công trên 2 máy bay SU gặp nạn gồm Trung tá Lê Văn Nghĩa (phi công cấp 1), Phó trung đoàn trưởng trung đoàn 937, Sư đoàn 370, lái máy bay số hiệu 5857 và đại úy Nguyễn Anh Tú (phi công cấp 3, Phi đội phó Phi đội 1, Trung đoàn 937, Sư đoàn 370) điều khiển máy bay 5863.
H.Minh (tổng hợp)