Tạp chí Asian Scientist (Singapore) vừa công bố danh sách 100 nhà khoa học tiêu biểu châu Á năm 2019. Theo đó, 2 nhà khoa học của Việt Nam được vinh danh trong bảng xếp hạng này là GS.TS Nguyễn Thanh Liêm (Viện trưởng Viện nghiên cứu tế bào gốc và công nghệ gene Vinmec) và TS Nguyễn Thị Hiệp (Trưởng Bộ môn kỹ thuật y sinh Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM).
GS.TS Nguyễn Thanh Liêm nguyên là Giám đốc Bệnh viên Nhi Trung ương và được mệnh danh là “bàn tay vàng” của phẫu thuật nội soi Việt Nam. Hiện nay, ông đảm nhận chức vụ Viện trưởng Viện nghiên cứu Tế bào gốc và công nghệ gen Vinmec, phụ trách Đơn nguyên Kỹ thuật cao điều trị tự kỷ và bại não của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
GS.TS Nguyễn Thanh Liêm và TS. Nguyễn Thị Hiệp vừa lọt top 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á 2019
Năm 2014, Giáo sư Liêm cùng đồng nghiệp bắt đầu nghiên cứu lĩnh vực hoàn toàn mới tại Việt Nam: Ghép tế bào gốc và ông là người đầu tiên ghép tế bào gốc chữa bệnh bại não và tự kỷ ở Việt Nam. Cuối tháng 6/2019, Tạp chí di truyền quốc tế Human Mutation (IF 4.5) công bố “Nghiên cứu về bộ gen của người Việt” do các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu Tế bào gốc - công nghệ gen Vinmec (VRISG) thực hiện, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm phụ trách đề tài.
Với những nỗ lực đóng góp cho y học trong suốt 30 năm, năm ngoái, Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm đã được nhận giải thưởng Nikkei châu Á (Nikkei Asia Prize) lần thứ 23 trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Ông là bác sĩ đầu tiên của Việt Nam được vinh danh đặc biệt này.
TS Nguyễn Thị Hiệp từng đoạt giải nhất cuộc thi Giải thưởng Khoa học ASEAN - Mỹ với nghiên cứu sử dụng các giải pháp chăm sóc tại nhà để giảm áp lực lên hệ thống chăm sóc sức khỏe đô thị. Tiến sĩ Hiệp đã có nhiều đóng góp và nghiên cứu trong lĩnh vực kỹ thuật Y sinh. Mới đây, Tiến sĩ Hiệp vừa hoàn thành đề tài nghiên cứu “Thiết kế một loại keo có khả năng cầm máu, chống vi khuẩn và giúp làm lành nhanh vết thương", giải pháp sơ cứu cho người sống xa bệnh viện.
Năm 2018, Tiến sĩ Hiệp được trao giải thưởng Nhà Khoa học trẻ tài năng của thế giới, nằm trong khuôn khổ Giải thưởng Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học của Quỹ L’Oréal và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO). Ở tuổi 39, tiến sĩ Hiệp đã có 2 chương sách chuyên khoa, 56 bài báo công bố quốc tế; gần 65 bài báo khoa học trong các hội nghị quốc tế với chỉ số trích dẫn h-index là 16; 3 bằng sáng chế và 1 giải pháp hữu ích cùng nhiều bài báo trên các tạp chí chuyên ngành trong nước.
Tính từ năm 2016, Việt Nam đã có 7 người lọt vào danh sách bình chọn của Tạp chí Asian Scientist. Asian Scientist là một tạp chí của Singapore ra đời bản online năm 2011, bản in được xuất bản từ 2014.