Vào dịp Tết, nhiều gia đình mổ lợn và có tập tục ăn bát tiết canh cho may mắn. Có đến khoảng 70% bệnh nhân mắc liên cầu lợn có ăn tiết canh lợn.
Năm 2017 cả nước ghi nhận 171 ca mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn, trong đó 14 người tử vong.
Bệnh có thể lây truyền trực tiếp cho con người thông qua ăn thịt lợn bệnh chưa nấu chín, tiếp xúc với mầm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da hoặc phân, chất độn chuồng, các loại thức ăn và nước uống trong chuồng nuôi
Dấu hiệu, triệu chứng nhiễm liên cầu lợn gồm sốt nóng, sốt lạnh, buồn nôn, nôn và đi ngoài; Đau đầu, ù tai, điếc, cứng gáy, tri giác lơ mơ xuất hiện các ban hoại tử trên da do nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ.
Trường hợp nặng có thể bị sốc nhiễm độc, trụy mạch, cơ thể lạnh, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng… hôn mê và tử vong.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo cách phòng tránh bệnh liên cầu khuẩn:
1. Không ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín.
2. Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết, không đảm bảo vệ sinh; không ăn thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.
3. Sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, rửa tay với xà phòng.
4. Tiêu huỷ lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định.
5. Khi có biểu hiện mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.