Dưới đây là một vài câu hỏi tình huống thường gặp phải khi tham gia phỏng vấn vị trí việc làm kiểm toán, bán hàng, marketing… và câu trả lời gợi ý giúp bạn có sự chuẩn bị tốt hơn.
Bạn mắc lỗi nhưng không ai khác nhận thấy, bạn sẽ làm gì?
Bạn sẽ khắc phục lỗi và chấp nhận mọi thứ chậm hơn hay bỏ qua để giữ cho công việc được thực hiện đúng tiến độ?
Khi hỏi điều này, nhà tuyển dụng muốn đánh giá tính chính trực và đạo đức cũng như giá trị của bạn có phù hợp với công ty hay không. Do đó, hãy tận dụng cơ hội này để chia sẻ về sự trung thực của bạn và cam kết chất lượng công việc.
Chẳng hạn, “Tôi nghĩ tốt hơn là chịu trách chịu về sai lầm của mình và cố gắng sửa sai cũng như rút kinh nghiệm về sau. Khi còn là nhân viên pha chế, khách hàng yêu cầu sữa đậu nành nhưng tôi đã vô tình thay thế bằng sữa tươi nguyên chất. Mặc dù có thể họ không biết nhưng tôi biết điều này có thể ảnh hưởng đến trải nghiệm của họ. Tôi đã nhanh chóng nói với người quản lý, pha lại đồ uống và xin lỗi khách hàng vì đã chờ đợi. Kết quả là khách hàng và người quản lý đều hài lòng. Từ đó trở đi, tôi đặc biệt chú ý đến thành phần thức uống”.
Bạn sẽ làm gì nếu được yêu cầu thực hiện một nhiệm vụ mà bạn chưa từng làm trước đây?
Khi mới đảm nhận một vị trí, người quản lý có thể yêu cầu bạn hoàn thành các nhiệm vụ vượt quá mức kinh nghiệm của bạn. Với câu hỏi tình huống này, nhà tuyển dụng muốn biết cách bạn sử dụng kỹ năng giải quyết vấn đề của mình để học cách làm điều gì đó mới mẻ. Câu trả lời của bạn phải nêu chi tiết các phương pháp phát triển một kỹ năng mới.
Hãy tham khảo câu trả lời sau đây: “Trong vai trò nhân viên Marketing gần đây, nhà quản lý đã yêu cầu tôi lên kế hoạch và khởi dạy một chiến dịch quảng cáo online, đây là điều tôi chưa từng làm trước đây. Tôi đã giải thích với người quản lý rằng tôi không có kinh nghiệm đó nhưng sẽ thực hiện tất cả công việc nếu có ai đó có kinh nghiệm hướng dẫn. Tôi đã gặp một số người có kinh nghiệm quảng cáo online, nghiên cứu các phương pháp hay nhất và thực hiện chiến dịch thành công. Nhờ kinh nghiệm thực tế đó, tôi đã trở thành chuyên gia của nhóm về quảng cáo online.
Bạn đã bao giờ gặp thất bại? Bạn đối phó với trải nghiệm này như thế nào?
Nhà tuyển dụng sử dụng câu hỏi này để đánh giá khả năng vượt qua khó khăn, phục hồi sau thất bại và học hỏi từ những sai sót của bạn. Bạn có thể sử dụng câu trả lời để thể hiện sự linh hoạt của mình và chia sẻ về cách bạn đã chuyển đổi trải nghiệm tiêu cực thành kết quả tích cực.
Ví dụ như “Khi bắt đầu công việc nhân viên kinh doanh, tôi muốn tạo ấn tượng với một khách hàng quan trọng và cam kết thực hiện với tiến độ khá sát sao. Thế nhưng, nhóm không có đủ nguồn lực để giao hàng đúng thời hạn đã hứa và cuối cùng chúng tôi đã đánh mất khách hàng. Tôi đã liên hệ với họ và hoàn toàn chịu trách nhiệm về khoản lỗ, và họ quyết định cho chúng tôi một cơ hội khác. Qua trải nghiệm này, tôi đã học được các giá trị của việc đặt ra những kỳ vọng thực tế và không bao giờ cam kết nhiều hơn những gì tôi có thể thực hiện”.
Bạn sẽ làm gì nếu khách hàng không hài lòng? Bạn sẽ giải quyết vấn đề của họ như thế nào?
Khi đặt câu hỏi này, nhà tuyển dụng muốn xác định xem bạn có kỹ năng giải quyết xung đột và giao tiếp cần thiết cho vai trò này hay không. Thế nên, hãy chia sẻ khả năng đồng cảm và giải quyết những thách thức bất ngờ. Cụ thể như:
“Khi tôi làm nhân viên chăm sóc khách hàng cho một công ty sửa chữa ô tô, tôi đã trả lời cuộc gọi từ một khách hàng đang tức giận vì chiếc của họ vẫn chưa xong. Tôi đã lắng nghe vấn đề của họ, sử dụng những cụm từ như ‘Tôi hoàn hoàn hiểu sự thất vọng của anh/chị’ và hứa sẽ gọi lại. Tôi đã tìm gặp kỹ thuật viên đang sửa xe của họ và biết được tình hình còn tồi tệ hơn dự đoán và sẽ mất vài ngày để khắc phục. Tôi điều phối một chiếc xe khác cho khách hàng mượn và gọi lại cho họ. Họ không chỉ đánh giá cao sự giúp đỡ của tôi mà còn cảm ơn chúng tôi trên mạng xã hội”.
Bạn tự hào nhất về thành tựu nào và bạn đã đạt được nó như thế nào?
Nhà tuyển dụng hỏi điều này nhằm xác định loại công việc mà bạn cảm thấy hài lòng và các bước bạn thực hiện để đạt được mục tiêu. Câu trả lời của bạn nên đề cập đến một điểm nổi bật và liên quan đến công việc ứng tuyển.
Ví dụ như “Trong vai trò quản trị viên Công nghệ thông tin trước đây, khi thực hiện bảo trì tôi đã phát hiện một lỗ hổng bảo mật và một số file đã bị nhiễm vi rút. Tôi đã thông báo cho các thành viên trong nhóm và chúng tôi đã nhanh chóng cô lập các file bị nhiễm để ngăn chặn sự lây lan. Điều này đã giúp công ty tiết kiệm hàng trăm triệu đồng”.
Các câu hỏi tình huống là cơ hội để bạn bạn truyền đạt kiến thức chuyên môn, kỹ năng và tài năng của mình để vượt qua những thách thức trong công việc. Bằng cách chuẩn bị một vài ví dụ, bạn có thể đảm bảo rằng câu trả lời của mình làm nổi bật những thành tích và khả năng chuyên môn tốt nhất của bạn.
Huỳnh Trâm