1. Tự trao quyền cho bản thân
Thay vì cảm thấy tồi tệ khi bạn bè đạt điểm cao hơn, những đứa trẻ tự trao quyền cho bản thân không dựa dẫm vào cảm xúc người khác. Trẻ chọn cách sống vui vẻ kể cả khi người xung quanh đổ bực tức lên đầu mình. Theo chuyên gia tâm lý trị liệu Amy Morin, Tổng biên tập trang Verywell Mind, cho rằng đây là đặc điểm của đứa trẻ mạnh mẽ, dễ thành công.
2. Thích nghi với sự thay đổi
Không chỉ với trẻ mà với bất kỳ ai, sự thay đổi luôn khó khăn, dù đó là việc chuyển đến trường mới hay không thể đi học vì Covid-19. Trẻ có thể nhớ cuộc sống trước đây hoặc lo lắng tương lai sẽ tồi tệ hơn.
Nhưng những đứa trẻ mạnh mẽ hiểu sự thay đổi giúp mình trở nên rắn rỏi. Cha mẹ cần gợi ý con dành thời gian để suy nghĩ và lên tiếng về cảm xúc của mình khi cuộc sống thay đổi, biết cách gọi tên cảm xúc để ứng phó với chúng.
3. Dám thừa nhận sai lầm
Nhiều đứa trẻ thường giấu lỗi sai như quên làm bài tập, làm hư đồ đạc vì không muốn gặp rắc rối. Tuy nhiên, dám thừa nhận sai lầm là một trong những bước để trở nên mạnh mẽ. Trẻ đủ can đảm nhận lỗi sẽ xác định được sai lầm của bản thân và tự chịu trách nhiệm với những gì gây ra.
Như vậy, chúng cũng biết tìm cách để không tái phạm. Trách nhiệm của phụ huynh là tạo cho con môi trường gọn gàng, ít cám dỗ và nhắc nhở khi con phạm sai lầm.
4. Đứng dậy sau thất bại
Thất bại luôn đau đớn và chúng có thể thấy xấu hổ, thất vọng, bực bội. Nhưng thực tế, những người thành công nhất luôn đi lên từ thất bại.
Đứa trẻ mạnh mẽ biết cách học hỏi từ sai lầm. Cha mẹ có thể kể cho con về những tấm gương đứng dậy sau thất bại. Nó giúp chúng tự tin hơn, hiểu rằng một điểm kém không có nghĩa con học dốt.
5. Kiên trì
Ai cũng cần bỏ thời gian, công sức mới đạt mục tiêu. Khi trẻ không muốn nỗ lực, bộ não sẽ làm cho bé từ bỏ. Trong khi đó, đứa trẻ mạnh mẽ sẽ kiên trì, tiếp tục chăm chỉ kể cả khi không thích.
Thông thường, người kiên trì sẽ thành công và nhận ra bản thân mạnh hơn mình tưởng. Cha mẹ có thể ở bên cạnh, động viên để con kiên cường theo đuổi mục tiêu.