Làm thế nào để có thể hiểu con cái, câu hỏi tưởng đơn giản nhưng thật khó trả lời. Nhiều cha mẹ vẫn quan niệm thương cho roi cho vọt, dạy con từ thuở còn thơ. Tuy nhiên chính cách này lại đang ngày càng nới rộng khoảng cách của bạn và trẻ. Hãy cùng xem bạn thật sự hiểu con chưa nhé.
1. Luôn luôn lắng nghe
Hãy luôn luôn lắng nghe để trẻ cảm thấy được quan tâm và chia sẻ |
Trẻ nhỏ, nhất là từ khi bắt đầu bước vào tuổi mẫu giáo, trẻ thường được tiếp xúc với môi trường mới nên có rất nhiều chuyện muốn kể cho cha mẹ nghe. Thay vì thái độ dửng dưng, thờ ơ bạn hãy lắng nghe và giải đáp những thắc mắc của trẻ. Nếu bạn bỏ ngoài tai những lời trẻ nói, con bạn sẽ có cảm giác bị tổn thương, không được quan tâm, từ đó dẫn đến suy nghĩ cha, mẹ không còn thương mình nữa.
Mỗi giai đoạn phát triển của trẻ lại có rất nhiều những vấn đề khác nhau trẻ cần được hỏi và giải đáp. Hãy nhẹ nhàng lắng nghe và giải thích cho trẻ, nhất là những thay đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì.
2. Dành thời gian cho con
Dù công việc bận rộn nhưng hãy sắp xếp thời gian ở bên gia đình nhé! |
Cuộc sống ngày càng bận rộn, cha mẹ giành cả ngày để làm việc, khi về đến nhà thường có cảm giác mệt mỏi, muốn nghỉ ngơi, thời gian giành cho trẻ ngày càng ít. Trẻ ở bất cứ độ tuổi nào cũng cần được sự quan tâm của cha mẹ để không có cảm giác hụt hẫng, bị bỏ rơi.
Hiện nay số lượng trẻ mắc chứng tự kỉ đang ngày càng tăng lên, một trong những nguyên nhân chính là sự thờ ơ, thiếu quan tâm của cha mẹ. Vì vậy dù công việc bận rộn hãy cố gắng sắp xếp thời gian để bên con, lắng nghe và chơi cùng con. Điều này sẽ giúp bạn gần gũi và hiểu con hơn.
3. Tìm hiểu những suy nghĩ của trẻ
Hãy nói chuyện với con, lắng nghe những gì con muốn, muốn tâm sự để thấu hiểu những suy nghĩ của con thay vì cho rằng trẻ con thì có gì mà suy nghĩ.
Bên cạnh đó cha mẹ cũng nên tìm đọc những cuốn sách nói về suy nghĩ, tâm sinh lý của trẻ ở các độ tuổi khác nhau để dễ dàng trò chuyện và thấu hiểu con hơn.
4. Khuyến khích trẻ phát biểu và nói ra ý kiến của mình
Liều thuốc tinh thần luôn mang lại kết quả không ngờ. Hãy khuyến khích trẻ đưa ra ý kiến của mình dù là sai, đừng vì con nói sai là quát tháo, lần sau trẻ sẽ không dám nói nữa.
Khuyến khích trẻ cũng là một cách giúp tăng tình cảm gắn kết của cha mẹ và con cái. Nhưng cha mẹ cũng nên lưu ý, không nên khen trẻ quá nhiều có thể khiến trẻ tự phụ, kiêu căng.
5. Thưởng phạt công bằng
Thưởng phạt công bằng để trẻ không có cảm giác bị bỏ rơi |
Trong gia đình nếu có từ 2 con trở lên thường khiến trẻ có tâm lý so sánh. Vì vậy hãy đối xử công bằng với các con, làm đúng có thưởng, làm sai bị phạt, đừng khiến trẻ có cảm giác cha mẹ thiên vị anh, chị, em hơn, điều này sẽ khiến trẻ bị tổn thương.
6. Đặt mình vào vị trí của trẻ
Hãy từ bỏ thói quen quát mắng, dọa nạt khi trẻ làm sai. Người lớn luôn có lý do khi làm một việc gì đó, trẻ em cũng vậy, hãy thử đặt mình vào vị trí của trẻ để xem trẻ muốn gì? Vì sao trẻ làm vậy để có thể hiểu và cảm thông cho con. Suy nghĩ về một việc ở cùng một góc độ của trẻ con và người lớn rất khác nhau, từng vội áp đặt suy nghĩ của mình lên con cái. Hãy đặt mình vào vị trí của con, nghĩ theo cách nghĩ của con để hiểu con hơn.
Thấu hiểu những suy nghĩ và mong muốn của con chính là cách giáo dục trẻ tốt nhất!
Lê Phương