Tin mới

6 trẻ tử vong vì tay chân miệng: Do thay đổi nhóm gen nguy hiểm

Thứ năm, 04/10/2018, 11:10 (GMT+7)

Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho biết có sự dịch chuyển thứ nhóm gen của virus gây bệnh tay chân miệng.

Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho biết có sự dịch chuyển thứ nhóm gen của virus gây bệnh tay chân miệng.

Theo thống kê mới nhất từ Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay cả nước đã ghi nhận hơn 42.700 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng trên cả nước, trong đó có hơn 21.000 trường hợp phải nhập viện. 

 

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 6 ca tay chân miệng tử vong ở 5 tỉnh thành bao gồm Tây Ninh, Bến Tre, Đồng Tháp, Bình Dương, Đồng Nai. Trong đó Tây Ninh chiếm 2 ca.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 6 ca tay chân miệng tử vong (ảnh minh họa)​

 

Trước tình hình số ca bệnh tay chân miệng tăng đột biến, PGS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM đã cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch tay chân miệng nếu không có những biện pháp quyết liệt để phòng bệnh. Thông tin này được đưa ra tại buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Vì sao bệnh tay chân miệng đang có diễn biến bất thường?” do Bộ Y tế phối hợp với báo Vietnam Plus.

 

Về những băn khoăn cho rằng bệnh tay chân miệng năm nay có bất thường, PGS Phan Trọng Lân cho biết hiện nay bệnh tay chân miệng đang vào mùa cao điểm. Điều này tương tự các năm trước, tăng cao từ tháng 8 đến tháng 11. 

 

Tuy nhiên, nếu như các năm trước bệnh tay chân miệng xuất hiện nhiều ở các tỉnh miền Tây thì hai năm trở lại đây, số bệnh nhân tay chân miệng tăng cao ở các tỉnh miền Đông nam bộ.

Bệnh nhi mắc tay chân miệng đồn dập nhập viện trong 2 tuần qua

 

Đặc biệt, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cũng ghi nhận có sự dịch chuyển thứ nhóm gen của virus gây bệnh tay chân miệng.

Giải thích về sự dịch chuyển thứ nhóm gen, PGS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM nói: "Hệ thống giám sát của Viện Pasteur TP.HCM cho thấy trong 2 tháng qua, tỷ lệ vi rút EV71 chiếm 25% số mẫu xét nghiệm bệnh tay chân miệng. Tỷ lệ này tăng mạnh so với con số dưới 1% phát hiện EV71 trong 6 tháng đầu năm. Sự gia tăng đột biến này cũng được ghi nhận trong vụ dịch năm 2011 (từ 32% trong 6 tháng đầu năm lên 56% từ tháng 7 đến tháng 9).

 

Sự dịch chuyển thứ nhóm gien từ B5 ưu thế trong giai đoạn 2012-2017 sang C4 (của chủng Enterovirus 71 - EV71) khiến cộng đồng chưa có miễn dịch dễ xảy ra nhiều ca mắc hơn.

 

Thứ nhóm gien C4 đang lưu hành ưu thế hiện nay cũng là chủng gây dịch năm 2011 và dễ gây biến chứng nặng đặc biệt ở trẻ dưới 5 tuổi, cao gấp 1,7 lần so với các thứ nhóm gien khác của EV71." 

 

Trong 20 năm qua, vụ dịch tay chân miệng lớn nhất tại Việt Nam là năm 2011 với hơn 113.000 trường hợp mắc và 170 trường hợp tử vong, cũng do chuyển đổi sang thứ nhóm gen C4 này. 

Hình ảnh có liên quan

 

Trên thế giới, nhiều vụ dịch lớn do thứ nhóm gen C4 cũng được ghi nhận như tại Trung Quốc năm 2009 với hơn 1,5 triệu trường hợp mắc và 353 trường hợp tử vong, tại Campuchia năm 2012 với 54 trường hợp tử vong.

 

Theo Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, nguy cơ bùng phát dịch tay chân miệng hiện hữu tại phía Nam nếu chính quyền, ngành y tế các cấp và cộng đồng không kiên trì thực hiện quyết liệt, liên tục, đồng bộ các biện pháp phòng bệnh.

 

Bên cạnh đó, người dân không nên chủ quan trước bệnh tay chân miệng. Khi phát hiện trẻ có biểu hiện bệnh như sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông, các phụ huynh cần liên lạc với cơ sở y tể để được tư vấn và xử lý kịp thời. 

Trang Vũ (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news