Nhiều khu vực vẫn còn rất nhiều rác, hòa với nước thải của khu dân cư dâng cao, khiến cuộc sống người dân đảo lộn, nguy cơ ô nhiễm, bệnh tật.
Theo tin tức xã hội từ Lao Động, “trong 10 ngày qua ở xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), chúng tôi đã cấp phát thuốc cho 700 bệnh nhân, chủ yếu là các bệnh về nước ăn chân và có 2 trường hợp đau mắt đỏ” – bác sĩ Trần Văn Kỳ - Trưởng khoa Vệ sinh an toàn thực phẩm, Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ cho biết.
Dòng nước đục, váng vất màu xanh nổi lên tràn vào sân. Ảnh: Tiền Phong |
Để khắc phục tình trạng trên và bảo đảm sức khỏe cho người dân nơi đây. Trung tâm đã triển khai công tác tuyên truyền xử lý nguồn nước và khử khuẩn nước sinh hoạt thường xuyên và liên tục. Bên cạnh đó, trung tâm đẩy mạnh việc thực hiện ăn chín uống sôi và thu gom chất thải, xác chết động thực vật.
Chia sẻ về vấn đề trên, anh Nguyễn Văn Lợi (thôn Nam Hài) – người dân ở xã Nam Phương Tiến cho biết, do ảnh hưởng của thời tiết xấu và lưu lượng nước sông nên nhà tôi bị ngập tới nay đã 11 ngày, vì di chuyển nhiều trong tình trạng nước bẩn nên gia đình tôi thường bị nước ăn chân.
Nhà nằm ngay cạnh UBND xã, bà Nguyễn Thị Hậu than thở, hôm trước nước rút được một chút nhưng sáng 29/7 lại bắt đầu dâng lên. Những hôm trước, rác thải trôi về ngập đầy trước cổng nhà.
Di chuyển trong nước bẩn khiến nhiều người bị nước ăn chân. Ảnh Internet |
Nhà bà Hậu phải di tản hết, chỉ còn mỗi bà ở nhà. Cháu của bà Hậu mới sinh chắt được chục ngày thì gặp cảnh ngập lụt, phải chạy về nhà ngoại. Ao cá, ruộng lúa của gia đình bị ngập hết. Đàn vịt cả nghìn con mấy hôm nay nhốt lại, phải dùng nước bẩn cũng chết mất 300 - 400 con.
Bà Hậu cho biết, nước dâng lên, rác thải sinh hoạt hòa với nước lụt khiến nhiều người bị bệnh da liễu. Hiện, chỉ có nước ăn là được phát, còn nước tắm, một là đi nhờ, hai là múc nước giếng lên tắm.
Nhà bà Nguyễn Thị Sáu cạnh nhà bà Hậu cũng trong tình trạng nước ngập hết khoảng sân sâu khoảng gần một mét cả tuần nay. Nước tràn cả vào nhà ngang. Con gái và con dâu bà Sáu phải đi ủng, lội nước bì bõm để rửa bát. Giơ chân lên, bà Sáu nói, nước ăn chân rồi, nhưng cứ lội nước thế này, tình hình không biết bao giờ mới khỏi được, Tiền Phong cho hay.
Trang Vũ (Tổng hợp)