Chuyên gia tâm lý cho rằng, cần rút kinh nghiệm cho các em và gia đình các em về chuyện này nhưng không nên làm rùm beng câu chuyện sẽ dễ dẫn tới những xáo trộn tâm lý...
9 học sinh tuổi vị thành niên trong đó có 2 nam, 7 nữ cùng xuất hiện trong 1 nhà nghỉ nằm trên phường Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) ngày 16/3 đang gây xôn xao dư luận.
Tuy nhiên, đứng trên góc độ là một người chuyên nghiên cứu tâm lý tuổi trẻ vị thành niên, chuyên gia tư vấn tình cảm tâm lý gia đình Lê Thị Túy (Trung tâm Tư vấn Tuổi trẻ Hạnh phúc) cho rằng, có những hậu quả rất lớn từ chuyện này như việc các em tự tử nếu như dư luận không được định hướng 1 cách có chừng mực và đúng đắn.
9 học sinh được phát hiện trong nhà nghỉ |
Hiện tại, sự việc vẫn đang được cơ quan công an quận Hoàng Mai tích cực điều tra để có kết luận cuối cùng.
Phân tích những diễn biến câu chuyện dựa trên các thông tin được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng những ngày qua liên quan tới 9 em học sinh này, bà Lê Thị Túy đưa ra các nhận định:
Các em có thể rủ nhau vào nhà nghỉ để... “nghiện ngập”. Khả năng thứ 2, các em sinh hoạt với nhau để thỏa mãn tò mò của bản thân về tình dục. Thứ 3, các em cùng bè nhóm, cùng 1 cạ, có ý thích nhau, đến chơi với nhau cho vui mà quên mất việc nam nữ ở cùng nhau sẽ có nhiều hệ lụy xấu. Dư luận sẽ dành cho các em hàng loạt câu hỏi kể cả nghiện hút, tình dục, trộm cắp...
“Với các đối tượng nam nữ ở tuổi này mà ở chung với nhau là không bình thường rồi. Nhiều người sẽ đặt vấn đề về hư hỏng và giáo dục kém. Gia đình có con đi như thế cũng có thể người con lêu lổng quen và dư luận sẽ đánh giá về mặt đạo đức và kĩ năng sống”, bà Túy chia sẻ.
Nhưng trong suốt câu chuyện bà Túy luôn nhấn mạnh việc cần rút kinh nghiệm cho các em và gia đình các em về chuyện này nhưng không nên làm rùm beng câu chuyện.
Bởi lẽ, trong quá trình tư vấn tâm lý tình cảm gia đình của mình, bà Túy đã từng gặp trường hợp có em học sinh tự tử chỉ vì lý do... thù cô giáo.
“Trong thư em ấy để lại có nói, chết dễ lắm. Em ấy thù cô giáo. Em chết và em sẽ thấy hả hê khi cô giáo thấy ảnh em trên bàn thờ và tới lễ em trước bàn thờ. Điều làm em thích nhất sau đó là trở thành hồn ma để trả thù cô giáo, điều ấy thích hơn là sống.
Nhưng em đâu hiểu, làm ma rồi thì em trả thù được ai. Đó là những suy nghĩ lệch lạc gây đau khổ cho nhiều người”, bà Túy nhớ lại.
Trong những phân tích của mình, bà Túy đề cập và nhắc nhiều hơn tới chuyện “tình dục” khi các em sống “bầy đàn” trong nhà nghỉ.
Chia sẻ sâu hơn về vấn đề này, bà Túy cho hay: Có 1 lỗ hổng và thiếu sót của chúng ta, của xã hội trong đó có phụ huynh học sinh, đoàn thể và nhà trường. Các em giờ khác nhiều và được tiếp xúc với các mạng xã hội, nhiều nguồn thông tin trong đó có cả phim ảnh.
Thêm vào đó là cách nói chuyện của người lớn, gương sinh hoạt ẩu, thiếu trách nhiệm và không gương mẫu.
Nhiều người lớn vẫn nghĩ, các em không biết gì nên “lơi lỏng” chuyện sinh hoạt tình dục. Có người coi đó là lĩnh vực kiêng kỵ và khó nói.
“Người lớn có quyền nghĩ trẻ em không biết gì. Đó là sai lầm của người lớn. Nhà trường lẫn cha mẹ đánh giá không đúng các em.
Nhưng các em lại có điều kiện hiểu biết về điều này. Bình thường trẻ con ít tuổi nó cho qua, nhưng đến khi cơ thể nó thức dậy bản tính về tình dục nó sẽ tò mò tìm hiểu về vấn đề thầm kín của người lớn. Không giáo dục các em, các em không biết phía sau đó là hệ lụy. Và những hệ lụy ấy đang diễn ra, sẽ diễn ra ngày càng mạnh mẽ hơn”, bà Túy đưa ra quan điểm của mình.
Nguyễn Huệ