Tin mới

9 việc cha mẹ không nên giúp con

Thứ ba, 26/01/2016, 14:54 (GMT+7)

“Việc ăn, mặc, ở, đi học, giao lưu bạn bè tất tần tật đều là việc của bọn trẻ. Đây không phải là công việc và trách nhiệm của cha mẹ".

“Việc ăn, mặc, ở, đi học, giao lưu bạn bè tất tần tật đều là việc của bọn trẻ. Đây không phải là công việc và trách nhiệm của cha mẹ".

Theo tiến sĩ Vũ Thu Hương, giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội, nhiều trẻ ở Việt Nam đang thiếu tự do một cách trầm trọng. Các cha mẹ thường có nhiều lý do để xâm phạm vào sự tự do, quyền riêng tư của trẻ và luôn nói con phải thế này phải thế kia từ việc ăn, mặc, học hành đến chơi với bạn bè. 

“Việc ăn, mặc, ở, đi học, giao lưu bạn bè tất tần tật đều là việc của bọn trẻ. Đây không phải là công việc và trách nhiệm của cha mẹ. Cha mẹ chỉ có trách nhiệm hướng dẫn trẻ tự làm, tự quyết, tự xử lý khi xảy ra sự cố và tự rút kinh nghiệm để tiến bộ”, bà Hương nói.

Bà Hương vạch ra 10 việc cha mẹ không nên làm hộ con. 

1. Việc ngủ dậy đi học. Các cha mẹ đừng quên, bọn trẻ sẽ còn phải tự dậy đi học sau này, khi chúng đã lớn hơn. Không thể có vụ lớn rồi thì tự biết được đâu. Mọi thứ cần học đều phải được dạy dỗ. Vì thế, các cha mẹ cần nhớ trách nhiệm dạy con việc tự giác thực hiện chuyện đơn giản này. 

2. Về việc ăn. Ngay từ khi con ăn dặm, chuyện ép con ăn, nhồi ăn, dỗ ăn là không chấp nhận nổi. Nó sẽ đem lại những hậu quả trầm trọng cho sức khỏe của trẻ và tạo ra những thói quen xấu. Để con tự do bốc đồ ăn ngay khi mới bắt đầu ăn dặm sẽ giúp con hình thành thói quen tự giác này. Tôn trọng sở thích ăn uống của con, tập trung vào nấu ăn thì các con sẽ ngon miệng và thích thú với việc ăn hơn. Kiên nhẫn đợi con ăn, không làm phiền con bằng tivi, máy tính, điện thoại chính là cách đơn giản nhất để con học ăn và học tự lập. 

9 việc cha mẹ không nên giúp con

9 việc cha mẹ không nên giúp con, trong đó có việc ép con ăn. Ảnh minh họa: Internet

3. Mặc đồ và đi giày. Các cha mẹ thân mến, chúng ta không thể mặc đồ cho con khi nó đã 18 – 20 tuổi. Tuổi đó bất kể ai cũng phải tự mặc đồ. Vậy thì để con quen dần với việc tự chăm sóc bản thân, tập thói quen tự lựa chọn quần áo, mặc đồ, đi giày và chăm sóc quần áo, vật dụng riêng của mình sẽ giúp con hiểu rõ giá trị đồ cá nhân. Việc này nên tiến hành khi con 2 tuổi. Thói quen tốt sẽ tạo tính cách tốt cho các bé. 

4. Chuẩn bị sách vở, đồ dùng. Các cha mẹ lớp 1 thường nói: Nếu không chuẩn bị cho nó thì thể nào nó cũng quên. Các cha mẹ thân mến, việc “quên” đó đương nhiên xảy ra. Nó sẽ xảy ra với 100% trẻ em trên toàn thế giới khi mới bắt đầu đi học. Tuy nhiên, việc “quên” đó sẽ là bài học để các con rút kinh nghiệm cho những buổi học sau khi con bị cô nhắc nhở hoặc mắng mỏ đôi chút. Vì thế, tớ nghĩ rằng các cha mẹ hãy để con được phép “quên” mang sách vở, đồ dùng vài lần đi cho nhớ. 

5. Việc học ở lớp của con. Con đến lớp học, ngoài kiến thức, con sẽ học thêm cách sống với bạn bè, với cô giáo, với các nhiệm vụ cụ thể được giao. Nếu con bị cô la mắng ở lớp thì điều đó sẽ giúp con rút kinh nghiệm cho những buổi học sau. Nhưng nếu cha mẹ về nhà phân tích để tìm cách bênh vực con mình, bao che, biện hộ cho con thì các cha mẹ sẽ nhanh chóng nhận được những em bé giỏi bao biện và chạy tội. Thậm chí, các bé sẽ càng tìm cách phá luật để sau đó đổ lỗi cho giáo viên nhiều hơn.

Kiến thức các bé thu lượm được sẽ không đến từ 1 kênh duy nhất là cô giáo. Các bé còn thu lượm từ nhiều nguồn khác nhau. Nếu cô giáo dạy có gì không chính xác thì hãy để con tự khám phá ra bằng cách hướng con đến các quyển sách tham khảo khác. Còn việc cha mẹ bới móc là cô giáo dạy sai, cô dốt, cô ngu… chỉ làm hỏng mối quan hệ của con với cô giáo và sẽ tạo điều kiện để con nói láo với cô, tỏ thái độ coi thường cô, coi thường nội quy lớp và trường và ngày càng thêm bất trị. 

Vì thế, thay vì kiểm soát xem những gì con học có chính xác 100% hay không, các cha mẹ hãy để việc học đó cho cô. 

6. Phối hợp với cô giáo. Thái độ học tập của con, tình trạng sức học của con, … là điều mà cha mẹ cần biết để có thái độ phù hợp. Nếu con học yếu hơn lớp hiện tại thì việc chuyển lớp cho phù hợp với con là cần thiết. Thái độ học tập của con có nhiều chểnh mảng thì cha mẹ cần theo những lời phê của cô giáo để phạt con cho thích đáng. Cách làm ấy sẽ giúp con hiểu rằng: Khi con lười biếng hay vi phạm điều gì trong lớp học thì sẽ không có ai bênh vực và bao che cho con cả. 

7. Quan hệ với bạn bè của con. Mỗi con người đều có tốt và xấu. Con chọn bạn chơi là tùy thuộc vào khả năng hòa hợp của con, sự tương thích trong tính cách, sở thích, và sự bù đắp những thiếu hụt khác. Cha mẹ là người ngoài cuộc, không hiểu biết mọi chuyện. Nếu cha mẹ can thiệp vào câu chuyện chọn bạn của con sẽ vô tình đẩy con đến chỗ cô độc, ít bạn. Bởi vì khi chúng ta không thể tìm được tiếng nói chung với những người bạn do bố mẹ tìm cho, lại không có cơ hội tự kết bạn, chính chúng ta đã bị đẩy đến chỗ phải đối diện với nỗi cô đơn 1 mình. Liệu đó có phải là viễn cảnh mà cha mẹ mong đợi.

8. Tự lo mọi việc cho bản thân. Các chuyện con gặp phải, những nhu cầu của con đều là của con. Cha mẹ giúp con chỉ khiến con yếu ớt và kém khả năng thích nghi, hòa hợp với cuộc sống. Vì thế, hãy cho con tự lo cho chính mình từ việc nhỏ đến việc lớn nhé. 

9. Tự quyết định các vấn đề lớn. Các cha mẹ yêu quý, cuộc đời của con là của chính nó. Cha mẹ không sống để hưởng niềm vui cũng như nỗi khó khăn mà con gặp phải. Vì thế, xin đừng quyết định mọi việc của con. Con cần tự đưa ra quyết định và sống, trải nghiệm với quyết định đó, kể cả đó là trải nghiệm đau thương đi chăng nữa. Điều đó sẽ giúp con sống tốt hơn nhiều là việc nghe theo những quyết sách của cha mẹ. 

Bà Hương gửi lời nhắn nhủ với các phụ huynh rằng: các con không cần sự bao bọc quá mức, các con cần dần dần làm quen với mọi việc để ra đời sống tốt và hi vọng nhiều cha mẹ hiểu được điều này. 

H.Minh

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news