Trong phiên họp Quốc hội ngày 20/11, có 92 Đại biểu đã vắng mặt. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã phải đề nghị các vị trưởng đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, TP yêu cầu đại biểu Quốc hội tham dự đầy đủ để đảm bảo chất lượng các phiên họp Quốc hội.
Theo tờ Tuổi trẻ đưa tin, khi kết thúc phiên họp ngày 20/11, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu than phiền: “Mấy phiên gần đây số đại biểu vắng họp nhiều quá”.
Trên bảng điện tử tại phiên họp Quốc hội sáng 20/11 hiện lên số 405 “số đại biểu có mặt”, tức là ít nhất 92 đại biểu Quốc hội (chiếm gần 25%) không dự họp.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phàn nàn về việc Đại biểu vắng mặt quá nhiều.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã đề nghị các vị trưởng đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, TP yêu cầu đại biểu Quốc hội tham dự đầy đủ để đảm bảo chất lượng các phiên họp Quốc hội. Thế nhưng, bảng điện tử sáng 21/11 cho thấy chỉ có thêm hai đại biểu dự họp so với chiều hôm trước (thời điểm đó vắng ít nhất 94 đại biểu khi Quốc hội đã thông qua Luật căn cước công dân, có 403/497 đại biểu có mặt).
Nhưng ngay sau đó chỉ ít phút, khi biểu quyết thông qua Luật hộ tịch thì lại chỉ còn 395 đại biểu có mặt, tức là vắng tới 102 đại biểu.
Tại sao con số trên bảng điện tử lại “nhảy nhót” chỉ sau có vài phút như vậy? Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định rằng đó là do “có tình trạng đại biểu bấm hộ người khác”.
Vì thế nên người viết dùng từ “có ít nhất” 92, 94, 102 đại biểu vắng mặt bởi đó chưa hẳn là con số chính xác.
Giống như trong lớp học, các cô cậu học trò láu cá thường điểm danh hộ bạn mỗi khi thầy, cô gọi tên.
Vậy các vị đại biểu Quốc hội đang làm gì, ở đâu trong những phiên họp hội trường trống tới 1/4 số chỗ ngồi, đặc biệt là cả những phiên biểu quyết thông qua luật?
Hãn hữu lắm cử tri mới nắm được lý do và tên tuổi người vắng họp, như trường hợp bất khả kháng của đại biểu Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) đang đi điều trị bệnh.
Còn lại, cử tri khó mà nắm được tên tuổi cụ thể và lý do vắng mặt của từng vị, bởi rất hiếm khi cơ quan có trách nhiệm của Quốc hội công khai điều này.
Trong sáng ngày 21/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam.
T.Phong (tổng hợp)