Tin mới

Đại biểu Quốc hội lo kinh tế Việt Nam tụt hậu

Thứ năm, 23/10/2014, 09:14 (GMT+7)

Tại phiên thảo luận tại\ntổ về tình hình kinh tế xã hội 2014 và nhiệm vụ 2015 sáng ngày 21/10 vừa qua,\ncác đại biểu Quốc hội đã bày tỏ nỗi lo lắng về tình hình kinh tế Việt Nam tụt hậu\nvà mất cân đối vĩ mô.

Tại phiên thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội 2014 và nhiệm vụ 2015 sáng ngày 21/10 vừa qua, các đại biểu Quốc hội đã bày tỏ nỗi lo lắng về tình hình kinh tế Việt Nam tụt hậu và mất cân đối vĩ mô.

 

Các đại biểu ghi nhận sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, nhất là công tác chỉ đạo, điều hành sâu sát của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các cấp, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, đã thực hiện đạt mục tiêu tổng quát và hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2014 theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra.

Đai biểu Trần Du Lịch, đoàn TPHCM nói: “Việt Nam được xếp dẫn đầu nhóm ASEAN 4 là Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, nhưng trong ba năm gần đây cấp độ phát triển của Việt Nam kém hơn ASEAN 4 rất nhiều.”

Ông cũng cho biết, lãi suất trung hạn hiện nay vẫn còn rất cao, khoảng 11 - 12%/năm, trong khi tháng 9 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 2,25%. Lãi suất cao như vậy, doanh nghiệp không dám vay.

Đai biểu Trần Du Lịch

Tăng trưởng kinh tế cũng là vấn đề đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) hoài nghi: “Tình hình như vậy mà Chính phủ dự báo là vẫn hoàn thành chỉ tiêu GDP thì tôi thấy còn băn khoăn”.

Trích dẫn số liệu của Chính phủ có 53,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, và 51.244 doanh nghiệp phá sản trong 9 tháng năm 2014, ông Vinh nói: “Lấy số mới và giải thể trừ đi thì chỉ còn được 1.281 doanh nghiệp mới thành lập. Con số này là không đáng kể.”

Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) lo lắng, năm 2015 Việt Nam dự kiến gia nhập Cộng đồng ASEAN và tham gia TPP song các doanh nghiệp Việt Nam đang vật lộn khó khăn mà chưa để ý đến cơ hội hay thử thách.

“Trong khi các doanh nghiệp của nước ngoài đã tranh thủ sang Việt Nam đầu tư để sắp tới được hưởng lợi từ việc Việt Nam cắt giảm thuế. Một số doanh nghiệp FDI đang dần chiếm lĩnh thị trường bán lẻ”, bà Hường lo lắng.

Bà Hường nói, thu nhập của người dân giảm sút, tâm lý tiết kiệm ngày càng tăng làm sức cầu của nền kinh tế ngày càng thấp. Bên cạnh đó, tâm lý, niềm tin của doanh nghiệp vào thị trường rất thấp.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) lo ngại nợ công liên tục tăng và đã chạm ngưỡng an toàn, và nợ xấu tăng trở lại.

“Chính phủ muốn làm thế nào thì làm, dứt khoát phải giảm nợ công… Nếu nợ công tăng thế này thì an ninh tài chính là nghiêm trọng”, ông Đương nói.

Về vấn đề nợ xấu, theo ông Trần Du Lịch, để giải quyết hiệu quả vấn đề, không nên sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước vì khi ngân sách đang bội chi; mà nên mượn từ nguồn vốn quỹ cổ phần hóa và các quỹ tập trung; thậm chí Quốc hội nên có Nghị quyết cho phép Chính phủ sử dụng những nguồn đang quản lý, trừ ngân sách để giải quyết nợ công.

Ông cho rằng: “Nợ xấu bản chất của nó không có gì xấu và chuyện bình thường của tổ chức tín dụng, nhưng khi nó thành vấn đề của kinh tế vĩ mô thì nó vượt sức của tổ chức tín dụng. Quan điểm của tôi là không dùng ngân sách để trả nợ xấu vì hiện nay Chính phủ còn có nhiều nguồn để thực hiện việc này. Ví dụ như quỹ cổ phần hóa, các quỹ tập trung với hàng chục nghìn tỷ đồng, chúng ta có thể mượn một thời gian. Trong khi ngân sách đang bội chi thì tại sao lại dùng ngân sách để giải quyết nợ xấu. Tôi cho rằng Quốc hội nên có Nghị quyết cho phép Chính phủ sử dụng những nguồn quỹ đang quản lý, trừ ngân sách để giải quyết nợ công".

Một yếu tố quan trọng với tăng trưởng kinh tế đó là đầu tư. Theo báo cáo của Chính phủ, chi thường xuyên đang tăng nhanh, trong khi chi đầu tư ngày càng giảm.

Cụ thể, theo báo cáo của Chính phủ, 9 tháng đầu năm, chi đầu tư phát triển từ ngân sách ước đạt 128.000 tỷ đồng, trong tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 636.000 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 9 tháng đầu năm ước đạt khoảng 833.900 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ.

Đại biểu Lê Thanh Hải (TP. HCM) lo ngại, trước đây, khi bàn thảo về bố trí ngân sách hàng năm, thông thường chi thường xuyên có tăng nhưng tốc độ tăng chậm hơn chi đầu tư, nhưng hiện nay thì ngược lại.

“Đây là vấn đề đáng lo ngại, trước đây chi đầu tư, ta bố trí 30% thu ngân sách, giờ còn hơn 10%. Chỗ này cần hết sức quan tâm”, đại biểu Lê Thanh Hải nói.

Trong khi đó, đại biểu Đỗ Văn Đương cũng yêu cầu phải giảm bội chi xuống, “cứ chi hết thì lấy gì đầu tư phát triển”. Theo đại biểu này, phải quyết liệt khống chế các chỉ tiêu chi, thậm chí phải có cả chỉ tiêu về đi nước ngoài, cần giảm 50%.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII đã chính thức khai mạc tại Nhà Quốc hội - Hội trường Ba Đình mới sau 5 năm xây dựng vào sáng ngày 20/10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trong phát biểu khai mạc đã nhìn nhận tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, yếu kém. Việc tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế còn nhiều lúng túng và thực hiện khó khăn. Tổng cầu tăng chậm; tồn kho ở mức cao, sức hấp thụ vốn còn yếu; năng suất lao động, hiệu quả sức cạnh tranh còn thấp.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhận xét: “Chúng ta thực hiện nhiệm vụ năm 2014 trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp. Kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn dự báo. Xung đột xảy ra ở nhiều nơi, căng thẳng trên biển Hoa Đông và biển Đông”.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Khó khăn thách thức là rất lớn. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, có trọng tâm trọng điểm các giải pháp thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2014 theo Nghị quyết của Quốc hội. Hàng tháng đều có kiểm điểm, đánh giá và điều chỉnh, bổ sung”.

Theo đó, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn. Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, 9 tháng tăng 2,25%, thấp nhất trong 10 năm qua; dự kiến cả năm tăng dưới 5%. Mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2% so với cuối năm 2013. Tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 9 đạt 7,26% (cùng kỳ là 6,87%), dự kiến cả năm tăng 12 - 14% theo kế hoạch. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại tệ tăng, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng khá cao. Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng tăng 14,4%. Xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước tăng 13% (cùng kỳ tăng 3%).

Thu ngân sách nhà nước 9 tháng tăng 17,2% so với cùng kỳ. Ước thu cả năm vượt 10,6% dự toán. Bảo đảm chi theo kế hoạch và nhu cầu cấp bách phát sinh. Bội chi ngân sách 5,3% GDP. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia vẫn trong giới hạn cho phép.

Thủ tướng cũng chỉ ra nền kinh tế cũng còn nhiều tồn tại như vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế chưa vững chắc; Bội chi ngân sách còn cao; Nợ công tăng nhanh. Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách năm 2014 khoảng 14,2% (theo quy định của Chiến lược nợ công là không quá 25%) nhưng nếu tính cả vay để đảo nợ và trả nợ vay về cho vay lại thì khoảng 26,2%.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh quốc tế và trong nước như hiện nay, nền kinh tế vẫn giữ được tăng trưởng dương, đầu tư vẫn giữ vững, các chỉ tiêu Quốc hội giao cơ bản hoàn thành là kết quả đáng ghi nhận, phải khẳng định vai trò của Chính phủ.

Tuy nhiên, còn rất nhiều vấn đề kinh tế - xã hội được các đại biểu đưa ra thảo luận. Các đại biểu cho rằng, kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng dưới mức tiềm năng và “khát vọng của chúng ta là phải trở thành một nước công nghiệp”.

Theo Bảo An/Người đưa tin

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news