(Tinmoi.vn) Lễ Phật đản thời xưa được miêu tả ở nhiều tài liệu cổ, trong đó có cuốn Đại Đường Tây Vực ký của pháp sư Trần Huyền Trang – nguyên mẫu nhân vật sư phụ trong Tây du ký.
Trước khi Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc diễn ra lần đầu vào năm 2000 như một lễ hội văn hóa tôn giáo thế giới của tổ chức này, các quốc gia có truyền thống Phật giáo đều đã hoan hỷ kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời vào tháng tư âm lịch hằng năm trong suốt hơn 2 thiên niên kỷ qua. Vậy cách đây hàng nghìn năm, lễ Phật đản được tổ chức như thế nào?
Những lễ Phật đản cổ xưa nhất
Năm 1972, một tài liệu cổ bằng tiếng Pali được học giả Phật học Isabel Horner công bố, đó là văn bản cổ trong quốc sử của Sri-Lanka, nói về lễ Phật đản của xứ này dưới vương triều Dutthagamani (năm 101-77 trước Công nguyên). Theo đó, buổi lễ do chính đức vua Dutthagamani làm chủ lễ, có cuộc rước kiệu tượng Đức Phật với 1000 chàng trai trẻ cầm cờ đi hộ tống.
Lễ Phật đản là một trong những sự kiện quan trọng nhất đối với Phật tử.
Thế nhưng đó không phải là miêu tả cổ nhất về lễ Phật đản mà các học giả thời hiện đại tìm thấy. Tài liệu cổ nhất về sinh hoạt Phật giáo có lẽ là văn bản khắc trên các trụ đá được dựng nên ở thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên bởi đại đế Asoka (tức A Dục vương, vị vua có công rất lớn trong việc hoằng dương Phật pháp. Vua Asoka không chỉ dựng 84.000 bảo tháp thờ Phật mà còn cho khắc lên các trụ đá, vách đá các ngự chỉ tuyên dương sự tích và những lời răn của Đức Phật, khuyên dạy người dân và hậu thế sống theo đường lối từ bi hỷ xả…
Ngự chỉ số 4, được tìm thấy tại núi Kandahar, thuộc đất Afghanistan này nay, ghi lời dặn của nhà vua là phải tôn thờ Phật pháp, hằng năm đến ngày Phật đản phải làm lễ trọng, có cuộc rước kiệu đức Phật. Ngự chỉ số 6 tìm thấy ở núi Girnar, miền Tây Ấn Độ, ghi chi tiết hơn về cách lập kiệu để rước tượng và xá lợi Phật trong ngày lễ này. Quốc sử Sri-Lanka cũng cho thấy, đến thế kỷ thứ 4, lễ Phật đản trở thành sự kiện thường niên chính thức của xứ này, có cuộc phát chẩn lớn cho dân nghèo và cuộc dâng y bát cho các tỳ kheo. Tục lệ này bị thực dân Anh bãi bỏ vào năm 1815 khi đến thôn tính Sri-Lankam dưới áp lực của các giáo hội truyền giáo Tây phương, và chỉ được tái lập từ năm 1885.
Tây Vực (Trung Quốc) cũng là vùng đất sùng đạo Phật từ xưa. Theo ghi chép của đại sư Pháp Hiển, thế kỷ thứ 4, khi theo con đường tơ lụa từ Trung Quốc hành hương qua Ấn Độ, đại sư đã chứng kiến lễ Phật đản của người dân Khotan (nay là trung tâm của khu tự trị Tân Cương). Dân ở đây chuẩn bị lễ Phật đản từ ngày 1/4 và kéo dài đến tận 29/4 (âm lịch). Kiệu rước Phật cao đến 10 mét, trang trí lộng lẫy, giữa đặt tượng Đức Phật lúc mới lọt lòng mẹ. Đi theo nghênh giá kiệu Phật có vua và hoàng hậu đất Khotan.
Một nhà sư Trung Quốc khác vốn rất quen thuộc với các độc giả Việt Nam là pháp sư Trần Huyền Trang, nguyên mẫu nhân vật Đường Tam Tạng trong tiểu thuyết “Tây du ký”, cũng ghi chép về lễ Phật đản ở đất Tây Vực khi ông đi qua chốn này. Trong cuốn “Đại Đường Tây Vực ký”, Trần Huyền Trang cho biết ông đã tham dự lễ Phật đản ở đất Kucha, nằm ngay trên con đường tơ lụa. Lễ được tổ chức cực kỳ hoành tráng, có cuộc rước kiệu với 1.000 chiếc xe hoa dựng tượng Phật. Điều đặc biệt là lễ Phật đản ở đất này được tổ chức vào ngày… thu phân, tháng 9.
Người Việt Nam kỷ niệm ngày Phật đản như thế nào?
Trong mùa Phật đản, các chùa, viện ở Việt Nam đều tổ chức lễ kỷ niệm để ôn lại truyền thống, những sự kiện quan trọng trong cuộc đời tìm đạo và truyền đạo của Đức Phật, nhắc nhở chúng sinh về công ơn của ngài. Lễ Phật đản ở Việt Nam thường có nghi lễ tắm Phật.
Lễ Phật đản được tổ chức trọng thể ở Việt Nam và các quốc gia có truyền thống Phật giáo.
Lễ tắm Phật bắt nguồn từ điển tích trong Phật sử, rằng ngay khi ra đời, Đức Phật được 9 con rồng từ trên trời phun mưa xuống để tắm cho ngài, có cả nước ấm và nước mát, theo kinh của Phật giáo Bắc tông. Còn Phật giáo Nam tông kể rằng khi Phật vừa lọt lòng mẹ, trên trời giáng xuống 2 trận mưa để tắm gội sạch sẽ cho cả hai mẹ con. Những cơn mưa đó không chỉ thể hiện sự tôn kính đối với đấng sẽ thành đạo sư của loài người, chỉ đường cho nhân loại ra khỏi bể khổ, mà còn tượng trưng cho sự gột rửa phiền não, sân si vốn là nguồn gốc sự đau khổ của con người, để trở nên thanh tịnh, tinh khiết.
Chuẩn bị cho lễ tắm Phật, các chùa, viện bày hương hoa lên bàn thờ, thỉnh tượng Phật sơ sinh đặt trong chậu sạch, nấu nước thơm với hoa nhài, hoa cúc, quế… Có nơi giản tiện, không nấu nước bằng các loại hoa mà chỉ dùng nước mưa lọc sạch, quan trọng là người chuẩn bị những thức cho lễ này phải giữ tâm thanh tịnh, thành kính.
Khi hành lễ, cùng với việc tụng kinh, những ngườ tham gia nối nhau đi đến nơi đặt tượng Phật sơ sinh, chắp tay lễ rồi múc nước tưới nhẹ lên hai vai tượng Phật, đồng thời lắng lòng thanh tịnh, quán tưởng đến dòng nước cam lộ rửa sạch tâm tư, cuốn trôi tham, sân, si của bản thân, để trở nên mát mẻ, nhẹ nhàng, hướng đến đạo tỉnh thức…
Sau lễ Phật đản, các vị tỳ kheo, tỳ kheo ni ở Việt Nam cũng bắt đầu mùa an cư kiết hạ theo truyền thống từ thời Đức Phật tại thế. Ở Ấn Độ, đây là lúc bắt đầu mùa mưa, nên các tu sĩ, để tránh giẫm chết những giun dế, côn trùng vốn sinh sôi rất nhiều vào mùa này, nên có tập quán tránh di chuyển, ở một chỗ chuyên tâm tu học. Khí hậu Việt Nam không giống Ấn Độ, nhưng truyền thống này vẫn được duy trì như một cơ hội để những người xuất gia trau dồi định tuệ, ngày một tinh tấn.
Lã Hưng