Axel Wernhoff và Klaus Korhonen, đại sứ Thụy Điển và Phần Lan tại NATO, đã bước vào trụ sở ở Brussels vào sáng 17/5, tay cầm lá đơn để trình lên cho người đứng đầu liên minh Jens Stoltenberg. Các đề xuất sẽ được 30 thành viên của liên minh đánh giá và thông qua. Quá trình này thường mất đến 1 năm nhưng sẽ được rút ngắn và có thể mất ít nhất 2 tháng.
Nếu được thông qua như dự kiến, cả 2 nước sẽ trở thành một phần của liên Minh Quân sự lớn nhất thế giới, nhận được sự bảo vệ từ cam kết phòng thủ chung. Đồng thời, họ sẽ bổ sung gần 1 triệu quân cùng với pháo, máy bay, tàu ngầm vào hàng ngũ của liên minh.
Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã dọa làm chệch hướng quá trình này. Ông không ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO vì các nước này đã cấp phép tị nạn cho những người phản đối chế độ của ông. Tất cả các quyết định của NATO phải được thực hiện một cách nhất trí. Do đó, sự phản đối của Erdogan có thể phá hỏng kế hoạch của liên minh. Các nhà ngoại giao Thụy Điển và Phần Lan đã gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ tại một hội nghị thượng đỉnh không chính thức ở Berlin vào ngày 14/5 để cố thuyết phục nước này.
Việc mở rộng liên minh sang Phần Lan và Thụy Điển thể hiện sự thay đổi lớn trong "kiến trúc an ninh" của châu Âu khi cả 2 nước đều ràng buộc với các hiệp ước trung lập. Sự trung lập của Phần Lan có từ sau Thế chiến II. Chiến tranh Mùa đông kết thúc bằng một thỏa thuận, trong đó Phần Lan nhượng 10% lãnh thổ của mình và đồng ý không bao giờ cho phép sử dụng lãnh thổ của mình để tấn công Nga. Đổi lại, Stalin cam kết không bao giờ đánh Phần Lan.
Sự trung lập của Thụy Điển còn có từ thời Chiến tranh Napoléon và Stockholm cam kết không bao giờ tham gia vào một cuộc chiến với Nga, đổi lại không bị Nga xâm lược.
Giờ đây, 2 quốc gia này phải suy nghĩ lại triệt để các thỏa thuận an ninh của họ sau khi Tổng thống Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Kiev cũng đã đạt được một thỏa thuận an ninh với Nga vào năm 1993 khi nước này đồng ý giao kho vũ khí hạt nhân từ thời Liên xô để đổi lấy sự đảm bảo không bao giờ bị tấn công.
Ngày 24/2, ông Putin đưa quân sang Ukraine khiến cả Helsinki và Stockholm đặt câu hỏi về giá trị của những lời hứa từ phía Nga.
Cả Phần Lan và Thụy Điển đều đã xích lại gần NATO bằng cách tham gia các cuộc họp giao ban tình báo và các cuộc tập trận chung với tư cách "các nước đối tác". Tuy nhiên, dư luận vẫn kiên quyết phản đối 2 nước chính thức gia nhập NATO.
Nhưng, khi công chúng chứng kiến việc Nga đưa quân sang Ukraine, ý kiến của họ đã thay đổi. Phần lớn người dân ở 2 quốc gia đều nhanh chóng ủng hộ việc gia nhập NATO. Thủ tướng Sanna Marin của Phần Lan và người đồng cấp Thụy Điển Magdalena Andersson đã thể hiện ý định tham gia liên minh dù lo lắng Nga có thể tung đòn tấn công trả đũa. Nhưng sau khi nhận được sự đảm bảo an ninh từ Mỹ, Anh, Na Uy, Đan Mạch và những nước khác, họ cảm thấy đủ an toàn để nộp hồ sơ xin gia nhập.
Nga dọa sẽ thực hiện các biện pháp "kỹ thuật, quân sự" để đáp trả. Họ có thể đưa thêm các tên lửa và vũ khí hạt nhân đến Kaliningrad vùng đất lọt giữa châu Âu của Nga. Tuy nhiên, ông Putin đã tìm cách hạ thấp mối đe dọa sau khi Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Đầu tuần này, ông nói "không có vấn đề gì" khi 2 nước làm vậy. Ông nhấn mạnh Nga sẽ chỉ đáp trả nếu "cơ sở hạ tầng" của NATO được chuyển đến một trong hai nước. Điều này ám chỉ việc đặt tên lửa hoặc căn cứ tên lửa tại đây.
(Theo Dailymail)
>> Xem thêm: Nỗi sợ mới của châu Âu: Ukraine giành chiến thắng, không giữ thể diện cho Putin