Tin mới

Nỗi sợ mới của châu Âu: Ukraine giành chiến thắng, không giữ thể diện cho Putin

Thứ ba, 17/05/2022, 15:01 (GMT+7)

Dù tận lực viện trợ quân sự, nhân đạo cho Ukraine nhưng các nhà lãnh đạo châu Âu lại lo sợ Kiev giành chiến thắng trong cuộc chiến với Nga.

Sau nhiều tuần lo lắng về những gì có thể xảy ra nếu Nga đè bẹp Ukraine, giờ đây các lãnh đạo Tây Âu lại lo nếu Ukraine thực sự giành chiến thắng. Thành công gần đây của Ukraine khi đẩy quân đội Nga khỏi một số vùng lãnh thổ bị chiếm đóng đã khiến các nhà lãnh đạo từ Pháp, Đức cho đến Italy kết luận rằng chiến thắng không tưởng của Ukraine có thể xảy ra.

Ngay cả khi các nhà lãnh đạo châu Âu công khai đồng cảm với cuộc đấu tranh của Ukraine thì vẫn có người sợ việc họ giành chiến thắng sẽ tạo ra một loạt vấn đề mới.

Mối lo ngại lớn nhất là chiến thắng của Ukraine có thể gây bất ổn cho Nga, khiến nước này khó dự đoán hơn và khiến việc bình thường hóa các liên kết năng lượng ngày càng xa tầm với. Đó là lý do tại sao một số quốc gia Tây Âu lặng lẽ ủng hộ giải pháp "giữ thể diện" cho cuộc xung đột ngay cả khi Ukraine phải mất một phần lãnh thổ.

Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz nằm trong số những nhà lãnh đạo châu Âu đã đàm phán với Nga.
Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz nằm trong số những nhà lãnh đạo châu Âu đã đàm phán với Nga.

Ngay cả Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz từng nhiều lần nói sẽ để Ukraine xác định điều kiện ngừng các hành động thù địch thì thời gian gần đây, họ đã ưu tiên ủng hộ ngừng bắn, không sớm thì muộn. "Chúng ta không chiến tranh với Nga", ông Macron nói trong một bài phát biểu trước Nghị viện châu Âu ở Strasbourg tuần trước. Ông nhấn mạnh rằng nhiệm vụ của châu Âu là "sát cánh với Ukraine để đạt được một lệnh ngừng bắn, sau đó xây dựng hòa bình".

Ông Macron cũng tuyên bố sau khi đạt được hòa bình, châu Âu sẽ phải xây dựng "sự cân bằng an ninh mới", cụm từ gióng lên hồi chuông cảnh báo ở các nước Trung và Đông Âu, nơi được coi là mã thưởng cho Putin. 

Ông Scholz đã đưa ra những tuyên bố tương tự trong cuộc điện đàm kéo dài với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 13/5. Sau cuộc gọi, Scholz cho biết ông đã đưa ra 3 điểm với Putin, trong đó: "Phải có lệnh ngừng bắn tại Ukraine nhanh nhất có thể".

Yêu cầu Nga rút lui toàn bộ lực lượng khỏi lãnh thổ Ukraine lại không nằm trong 3 điểm nêu trên. Trong một cuộc phỏng vấn cuối tuần với trang T-Online của Đức, Scholz cho biết Đức sẽ tiếp tục ủng hộ các biện pháp trừng phạt chống Nga, đồng thời lặp lại lời kêu gọi một giải pháp ngoại giao.

Sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Washington vào tuần trước, Thủ tướng Ý Mario Draghi cũng cho biết đã đến lúc bắt đầu suy nghĩ về một thỏa thuận hòa bình. "Chúng tôi nhất trí rằng mình phải tiếp tục hỗ trợ Ukraine và gây áp lực lên Moscow, nhưng cũng bắt đầu đặt câu hỏi làm thế nào để xây dựng hòa bình", ông nói với các phóng viên. "Mọi người muốn nghĩ về khả năng ngừng bắn và bắt đầu lại một số cuộc đàm phán đáng tin cậy. Đó là tình hình lúc này. Tôi nghĩ chúng ta phải suy nghĩ sâu sắc về cách giải quyết vấn đề này".

Tổng thống Ukraine Zelensky
Tổng thống Ukraine Zelensky

Ngay cả khi nhấn mạnh sự ủng hộ với Ukraine thì thực tế là các nhà lãnh đạo 3 quốc gia lớn nhất EU đang cố gây sức ép để các lãnh đạo Ukraine tham gia đàm phán. Cho đến nay, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vẫn chưa làm vậy.

"Chúng tôi muốn quân đội Nga rời khỏi đất nước mình, chúng tôi không ở trên đất Nga. Chúng tôi sẽ không giúp Putin giữ thể diện bằng cách cắt đất đai của mình. Điều đó là không công bằng", ông Zelensky nói trong một cuộc phỏng vấn với đài RAI của Italy. Tổng thống Ukraine nói thêm rằng ông Macron đang tìm kiếm "một lối thoát cho nước Nga trong vô vọng".

Các quan chức Ukraine cho rằng bất kỳ nhượng bộ nào đối với Moscow trên lãnh thổ của họ sẽ mở ra cánh cửa cho các cuộc xâm lược của Nga trong tương lai.

Lời kêu gọi đàm phán với Nga của các lãnh đạo châu Âu lại trái ngược với Chính sách của Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết sau chuyến thăm Kiev hồi cuối tháng 4 rằng Washington tin Ukraine "có thể thắng".

Trả lời câu hỏi về lời kêu gọi đàm phán hòa bình của ông Draghi, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Karen Donfried nói rằng: "Trọng tâm của chúng tôi hiện nay là tăng cường sức mạnh của Ukraine trên chiến trường để khi đến thời điểm, Ukraine có nhiều đòn bẩy nhất có thể trên bàn đàm phán". 

Hiện tại, Washington không lo rằng châu Âu sẽ quay lưng với việc ủng hộ Ukraine. Một quan chức cấp cao của Mỹ nhấn mạnh rằng những cuộc tranh luận như vậy ở châu Âu không phải mới và vẫn có sự thống nhất về mục đích cụ thể. Họ chỉ ra rằng những nước như Slovakia, Đức vẫn sẵn sàng cung cấp vũ khí cho Ukraine. "Tất nhiên chúng tôi lo lắng về sự rạn nứt, nhưng tôi nghĩ các đồng minh hiểu điều gì đang bị đe dọa ở đây. Hãy nhìn vào EU. Họ đã tranh cãi về dầu khí của Nga trong nhiều năm, nhưng đột nhiên họ nghĩ mình có thể áp lệnh cấm vận? Đó là lịch sử", vị quan chức này nói.

Dù vậy, sự chia rẽ giữa các quốc gia lớn nhất châu Âu và Mỹ là đáng chú ý, và điều này không chỉ giới hạn ở tầng lớp chính trị. Một cuộc thăm dò gần đây tại 27 quốc gia phương Tây cho thấy sự ủng hộ quan hệ ngoại giao với Nga tại Italy, Đức và Pháp mạnh hơn đáng kể so với ở Mỹ và hay Ba Lan. Về vấn đề viện trợ vũ khí cho Ukraine, các nước Tây Âu cũng không ủng hộ nhiều.

Giuseppe Conte, cựu thủ tướng Italy cho biết EU cần một "chiến lược cân nhắc hơn". Ông nói với tờ Politico: "Toàn bộ EU sau giai đoạn hỗ trợ quân sự này nên tập trung vào các cuộc đàm phán và gây áp lực cho một giải pháp chính trị".

Dù điều quan trọng là châu Âu không "hạ thấp cảnh giác" trước Putin, EU cũng không nên đánh mất một thực tế cơ bản là "Nga ở đó và vẫn sẽ ở đó", ông Conte nói. 

(Theo Politico)

>> Xem thêm: Sang Đức 'cầu viện', Ngoại trưởng Ukraine bị làm ngơ

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news