Trong thời cổ đại phong kiến, đế vương là người "cửu ngũ chí tôn", đứng trên vạn người, hậu cung có ba nghìn mỹ nữ. Những phi tần mỹ nữ được tuyển nạp vào hậu cung chỉ có một mục đích duy nhất là được hoàng đế sủng ái. Họ sẵn sàng làm bất cứ mọi điều, tranh giành, đấu đá lẫn nhau để trở thành phượng hoàng bay lên cành cao. Những phi tần này chỉ hy vọng được hoàng đế sủng ái và sinh con. Một khi sinh hạ được long tử, những phi tần này sẽ được "mẹ quý nhờ con", từ đó mà được thăng tiến, sống cả đời sung sướng trong hậu cung.
Theo Sohu, trên thực tế, các cung nữ và thái giám xung quanh hoàng đế mới là những người có khả năng chủ động tiếp cận hoàng đế nhất. Thay vì vừa vào cung đã trở thành thê thiếp, thà vào cung trước làm cung nữ hầu hạ hoàng đế. Đây là điều dễ dàng nhất để nhanh chóng có được sự sủng ái của hoàng đế.
Sự thật là, thông thường điều mà các phi tần mong muốn nhất lại là điều mà các cung nữ tránh né. Bởi vì không phải cung nữ nào cũng là Ngụy Anh Lạc có cá tính mạnh mẽ như trong phim truyền hình "Diên Hy Công Lược", một bước thành phượng hoàng. Trong phim, Ngụy Anh Lạc từ một cung nữ trở thành phi tần được hoàng đế Càn Long sủng ái nhất. Thậm chí, con trai của Ngụy Anh Lạc còn trở thành hoàng đế kế tiếp.
Ngoài đời, có rất nhiều cung nữ được hoàng đế sủng ái. Có người may mắn được phong vị làm thê thiếp nhưng cũng trở thành mục tiêu của các phi tần khác trong hậu cung. Đặc biệt, có một số phi tần được sủng ái không chấp nhận việc những cung nữ này ngang hàng với mình.
Đơn cử như mẹ của Minh Hiếu Tông Chu Hựu Đường - Thục phi. Thục phi vốn ban đầu chỉ là một cung nữ được Minh Hiến Tông sủng ái mà sinh ra Minh Hiếu Tông. Tuy nhiên, khi con trai trở thành hoàng đế thì Thục phi đã qua đời từ lâu. Ám ảnh vì sóng gió hậu cung, Minh Hiếu Tông được cho là không lập hậu cung mà chỉ chung sống một chồng một vợ với hoàng hậu duy nhất.
Sohu cho biết, các cung nữ phần lớn đều có xuất thân thấp hèn. Có những cung nữ có chút nhan sắc sẽ lọt vào mắt xanh hoàng đế và được sủng ái. Lẽ dĩ nhiên, một khi đã bước chân vào hậu cung của hoàng đế thì không có đường lùi.
Lý do khiến nhiều cung nữ không muốn được hoàng đế sủng ái rất rõ ràng bởi nếu không cẩn thận họ còn có thể bị mất mạng.
Thứ nhất, hầu hết các cung nữ thời cổ đại đều xuất thân nghèo khó, đến hoàng cung để kiếm tiền. Xét về cả ngoại hình lẫn tài năng của họ đều không so sánh được với các phi tần. Tuy nhiên, cũng có một số ít những cung nữ có nhan sắc hay có tài năng ví dụ như con gái các quan lại bị cách chức, phế truất,... Trong cung, những cung nữ này phải làm việc cực nhọc, địa vị có thể coi là thấp nhất trong cung. Cho dù có được hoàng đế sủng ái thì họ cũng sẽ sớm bị lãng quên bởi hậu cung có vô số mỹ nữ trẻ trung, xinh đẹp.
Thứ hai, một khi cung nữ được sủng ái, chỉ cần hoàng đế không phong chức vị, những cung nữ này sẽ phải tiếp tục cuộc sống khốn khổ của mình. Không những không trở thành phượng hoàng mà họ còn bị những cung nữ khác ghét bỏ, bị phi tân ghen tỵ. Thậm chí, có người còn bị các phi tần khác hại chết.
Thứ ba, những cung nữ này mỗi ngày phải làm rất nhiều công việc bẩn thỉu, vất vả, dù không khỏe cũng không được phép nghỉ ngơi. Ngoài vấn đề thể chất, các cung nữ ngày nào cũng trong tình trạng kiệt sức do phải phục vụ chủ nhân thật tốt, tránh phạm sai lầm. Chính áp lực về thể chất và tinh thần khiến họ bị bào mòn. Trong hoàn cảnh như vậy, cho dù cung nữ rời khỏi cung cũng không có người đàn ông nào nguyện ý gả cho nàng vì khi đó họ đã trở thành những cô gái tàn phai nhan sắc lại quá lứa lỡ thì. Huống hồ những cung nữ được hoàng đế sủng ái nhưng cuối cùng lại bị bỏ rơi, cho dù có sống sót ra khỏi hoàng cung cũng không có cuộc sống tử tế hơn.