Tính riêng trong Hệ thống Công viên Quốc gia Hoa Kỳ đã có hơn 84 triệu mẫu Anh (35 triệu ha) rừng, sa mạc, núi non và các vùng hoang dã khác được bảo tồn, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi trong 100 năm qua đã có một số trường hợp người mất tích. Nhiều người trong số những người biến mất chủ yếu là trẻ nhỏ và những người đi khám phá công viên theo đường bộ thiếu kinh nghiệm. Tuy nhiên, cũng có những người khỏe mạnh và dày dạn kinh nghiệm cũng bị mất tích bí ẩn. Điều gì có thể khiến ai đó biến mất trong không khí? Có hai cách tiếp cận mà người ta áp dụng để giải thích những vụ mất tích bí ẩn này đó là do thế lực siêu nhiên hoặc do kẻ lập dị nào đó tạo ra.
Theo Strange Outdoors, vào năm 2020, Paulides ước tính đã có hơn 1.600 vụ mất tích không rõ nguyên nhân ở Bắc Mỹ. Nhiều người thường tưởng tượng ra những vụ mất tích có liên quan đến những con quái vật hoặc thứ gì đó ma quái hơn, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy có bất kỳ sự biến mất nào liên quan đến thế lực siêu nhiên được đưa ra. Tuy nhiên, truyền thông chắc chắn rằng có nhiều vụ mất tích bí ẩn ở Mỹ tại các công viên quốc gia.
Dưới đây là một số trường hợp mất tích bí ẩn nhất bắt đầu từ đầu thế kỷ 20 cho tới nay.
Bessie và Glen Hyde, 1928
Bessie và Glen Hyde đang hưởng tuần trăng mật ở phía bắc Arizona tại Grand Canyon thì họ biến mất. Họ đang đi thuyền dọc sông Colorado vào tháng 10/1928 và dự định đi thuyền qua Grand Canyon. Glen đã từng vượt qua những con sông khó khăn trước đây nhưng Bessie là người mới tập chèo thuyền. Cặp đôi tình cờ gặp những người chèo thuyền khác vài tuần trước khi họ mất tích, họ nói rằng họ có cảm giác rằng Bessie muốn quay lại, nhưng Glen đã thúc ép cô ấy đi tiếp. Nếu họ hoàn thành chuyến đi thành công, họ có thể tham gia một chuyến tham quan thuyết trình có trả phí. Vì vậy, chuyến đi này không chỉ là niềm vui – còn có cả tiền bạc.
Tuy nhiên, vài tháng sau, con thuyền của nhà Hydes được phát hiện vào mùa đông năm đó, dường như không bị xáo trộn gì. Nó dựng đứng và chứa đầy đồ dùng, nhưng cặp đôi đã biến mất. Có rất nhiều giả thuyết về những gì đã xảy ra với Hydes. Người cho rằng cả hai đã xuống tàu và thử nghiệm đi bộ đường dài, hoặc cả hai đã xảy ra những tranh chấp về chuyến đi, cũng có người cho rằng cả hai bị bắt cóc. Tất nhiên không ai có thể tìm thấy cả hai trong nhiều năm. Có những du khách cho biết, họ từng nhìn thấy bóng dáng Bessie Hyde thoắt ẩn thoát hiện trên dòng sông Colorado.
Alfred Beilhartz, 1938
Alfred Beilhartz, bốn tuổi, là trường hợp chết đuối đầu tiên được ghi nhận ở Công viên Quốc gia Núi Rocky của Colorado. Tới nay, việc Beilhartz có thực sự chết đuối hay không vẫn còn gây tranh cãi. Được biết, cậu nhóc đang cắm trại trong công viên cùng gia đình vào cuối tuần ngày 4/7/1938 thì biến mất gần Sông Roaring và Fall.
Một cuộc tìm kiếm bắt đầu ngay lập tức, mở rộng tới hơn 100 thành viên của Quân đoàn Bảo tồn Dân sự trong vòng 45 phút nhưng không có kết quả nào. Một ngày sau khi cậu bé biến mất, một cặp vợ chồng đi bộ đường dài cách khu cắm trại của Beilhartz khoảng 6 dặm (9,6 km) cho biết đã nhìn thấy một cậu bé trông giống Alfred đang ngồi trong khu vực có tên là The Devil's Nest. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng đến thì cậu bé đã biến mất. Cuộc tìm kiếm diễn ra trong 10 ngày và bao gồm 150 người đàn ông, cộng với chó săn. Tới ngày thứ 8, 9 và 10 số người tìm kiếm chỉ còn chục người. Giới chức Mỹ cho rằng cậu nhóc bị chết đuối và xác không được tìm thấy.
Katherine Van Alst, 1946
Katherine Van Alst, 8 tuổi, đã biến mất khỏi Công viên Devil's Den State, gần Rừng Quốc gia Ozark của Arkansas, nơi cô bévà gia đình đang cắm trại. Trong lúc đang chơi đùa cùng các anh trai của mình thì cô bé bị lạc và không tìm được đường về.
Sau 6 ngày đi lang thang trong rừng, cơ quan chức năng đã tìm được Katherine nhưng điều gây chú ý là cô bé không hề hoảng sợ mà lại bình tĩnh một cách kỳ lạ.
Sinh viên Đại học Arkansas Porter Chadwick là một phần của nhóm tìm kiếm đã tìm thấy Van Alst. Chia sẻ trên tờ The Pittsburgh Press, Chadwick cho biết, khi tìm thấy cô bé trong rừng, Chadwick bước ra khỏi hang động và chỉ nói duy nhất một câu: "Tôi đây". Katherine Van Alst cho biết, cô bé sống sót nhờ việc ăn quả mọng và ngủ nhiều đêm trong hang động. Trong khi đó, nhiều người đi bộ bị lạc ở đó không may mắn như Van Alst.
Paula Welden, 1946
Có một khu vực trong Rừng Quốc gia Núi Green gần Núi Glastenbury và Đường mòn Dài của Vermont mà những người tin vào hiện tượng huyền bí gọi là Tam giác Bennington. Khu vực này có tên này vì một số vụ mất tích bí ẩn xảy ra từ năm 1945 đến năm 1950. Paula Welden là người thứ hai mất tích ở khu vực Rừng Quốc gia Núi Xanh trong thời gian này.
Welden, 18 tuổi là một sinh viên đại học. Do mệt mỏi với việc học nên ngày 1/12/1946, cô nói với bạn cùng phòng sẽ bỏ một buổi học để đi dạo tại “Long Trail”, một con đường mòn dài 270 dặm (hơn 400km) gần trường học.
Một số người gặp Paula cho biết, cô mặc quần jeans, áo parka và đi giày thể thao. Điều đó cho thấy Paula có dự định quay trở về phòng trước khi trời tối. Khi Welden không quay lại vào lúc trời tối, bạn cùng phòng của cô đã báo cho cả trường biết và cuộc tìm kiếm bắt đầu. Quá trình này ban đầu diễn ra bát nháo cho đến khi cha của Welden kêu gọi sự giúp đỡ từ cảnh sát ở hai bang xung quanh. Thật không may, cuộc tìm kiếm đã không thành công. Từ đó tới nay không ai nhìn thấy Paula.
Việc Paula mất tích cũng dấy lên nhiều câu hỏi như cô bỏ trốn cùng bạn trai hay bị bắt cóc, tự tử hoặc chết vì lạnh cóng ở trong rừng. Do không ai phát hiện ra thi thể của Paula nên sự mất tích của cô vẫn là một bí ẩn cho tới ngày nay.
Ảnh: Tổng hợp.