Ngữ văn là một trong những môn học bắt buộc trong chương trình học giáo dục phổ thông. Môn học này nhằm duy trì tư duy tưởng tượng, khả năng ngôn ngữ, hình thành phẩm chất tốt đẹp cho học sinh. Tuy nhiên, đôi khi sự sáng tạo và vận dụng văn mẫu quá đà trong văn chương lại khiến học sinh lâm vào tình cảnh “dở khóc dở cười” vì những ngôn từ quá "bá đạo".
Mới đây, một bài văn được yêu cầu phân tích tác phẩm "Đây thôn Vĩ Dạ" của Hàn Mặc Tử đã khiến Cộng đồng mạng quan tâm và truyền tay nhau với tốc độ chóng mặt. Bạn học sinh này viết phần mở bài siêu đặc biệt: "Trong các loại hàn như Hàn Quốc, hàn xì... thì em thích nhất là Hàn Mặc Tử bởi lối viết văn của ông".
Không chỉ vậy, phần thân bài, học sinh này cũng cũng có cách viết không thể độc đáo hơn: "Em biết đến Hàn Mặc Tử qua bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ của ông. Mặc dù chưa nhìn ngoài đời thật bao giờ nhưng chỉ cần nhìn qua những bức ảnh mà người con gái ông yêu gửi về quang cảnh nơi đó thì ông đã có thể viết thơ về cảnh đẹp nơi đó.
Đây thôn Vĩ Dạ nói về cảnh đẹp của thôn Vĩ Dạ nơi người con gái ông yêu sống. Câu chuyện tình yêu của ông bắt đầu từ lúc ông đi công tác nhưng mắc một căn bệnh nan y. Ông phải đến chữa trị tại một bệnh viện.
Ở nơi đó ông gặp phải người con gái xinh đẹp. Ông và người con gái ấy đã sớm nảy sinh tình cảm với nhau nhưng chưa được bao lâu thì họ đã phải xa cách vì cô gái ấy lại chuyển về thôn Vĩ. Hai người đã viết thư cho nhau, hỏi han nhau. Cô gái ấy đã gửi cho ông những bức ảnh đẹp đẽ...".
Ngay sau khi bài viết được chia sẻ trên mạng xã hội, không chỉ các bậc cha mẹ mà chính học sinh cũng phải bật cười và cho rằng đọc bài văn “bá đạo” khiến họ "quên cả bản gốc". Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng học sinh cũng nên lấy bài văn này làm gương, cần vận dụng ngôn ngữ, từ ngữ chuẩn mực, phân tích khoa học và sáng tạo, tránh dập khuôn, cứng nhắc.
Ảnh: Internet