CNN dẫn lời một quan chức quốc phòng thạo tin cho biết tên lửa siêu thanh Hypersonic Air-breathing Weapon Concept (HAWC) đã được phóng đi từ oanh tạc cơ B-52 ngoài khơi bờ biển phía tây. Đây là cuộc thử nghiệm thành công đầu tiên của hệ thống do nhà Lockheed Martin sản xuất.
Quan chức này cung cấp rất ít chi tiết về vụ thử tên lửa. Họ chỉ lưu ý tên lửa đã bay ở độ cao hơn 19.800m và đạt khoảng cách gần 500km.
Vụ thử diễn ra chỉ vài ngày sau khi Nga cho biết họ đã thử tên lửa siêu thanh trong chiến dịch quân sự tại Ukraine và mục tiêu được nhắm tới là một kho đạn được ở miền tây Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin không coi đây là yếu tố "thay đổi cuộc chơi" sau khi Nga tuyên bố phóng tên lửa Kinzhal.
Vài ngày sau, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby cho biết "rất khó để biết lý do chính xác" Nga phóng tên lửa là gì bởi nó nhắm vào một mục tiêu cố định. Hành động của Nga chẳng khác nào "dùng dao mổ trâu để giết gà".
Vào thời điểm Nga thử tên lửa, ông Biden đang chuẩn bị thăm các đồng minh NATO ở châu Âu. Trong chuyến dừng chân tại Ba Lan, ông đã gặp Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine.
Mỹ đã thận trọng không thực hiện các bước tiến hay đưa ra tuyên bố có thể làm leo thang căng thẳng giữa Washington và Moscow. Tuần trước, họ đã hủy vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Minuteman III để tránh Nga hiểu lầm. Ông Austin đã hoãn cuộc thử nghiệm hồi đầu tháng 3 để tránh bất cứ hành động nào gây hiểu lầm từ phía Nga bởi lúc đó rất nhạy cảm.
Nhìn chung, Mỹ tỏ ra kín đáo về các loại vũ khí và thiết bị mà họ trao cho Ukraine. Chỉ trong gói hỗ trợ an ninh 300 triệu USD mới nhất, Bộ Quốc phòng Mỹ mới liệt kê các hệ thống và vũ khí cụ thể. Mỹ cũng phản đối việc chuyển giao chiến đấu cơ cho Ukraine thông qua Washington bởi họ lo ngại điện Kremlin sẽ xem đây là động thái tham gia xung đột.
Hiện các quan chức Mỹ vẫn giữ im lặng về vụ thử vũ khí siêu âm mới nhất trong 2 tuần qua vì những lý do tương tự. Nhà Trắng không muốn khiêu khích điện Kremlin hay Tổng thống Putin, đặc biệt là khi Nga mở rộng chiến dịch tại Ukraine.
Vụ thử này là lần thứ 2 Mỹ thành công với tên lửa HAWC và là phiên bản chạy bằng động cơ của Lockheed Martin thành công đầu tiên. Tháng 9 năm ngoái, Không lực Mỹ đã thử Raytheon HAWC chạy bằng động cơ phản lực Northrop Grumman.
(Theo CNN)
>> Xem thêm: Lộ danh sách khí tài Ukraine đòi Mỹ viện trợ để chống Nga