Tin mới

Khao khát gia nhập EU của Ukraine lại bị 'dội gáo nước lạnh'

Thứ sáu, 01/04/2022, 16:27 (GMT+7)

Các cuộc thảo luận liên quan đến việc Ukraine gia nhập EU chỉ có thể được tổ chức sau khi cuộc xung đột hiện tại kết thúc.

Mới đây, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã nói trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí hôm 31/3: "Trong hội nghị thượng đỉnh tại Versailles, các nhà lãnh đạo của 27 nước đã nói rõ rằng số phận của Ukraine gắn liền với châu Âu. Sau khi xung đột kết thúc, thế giới sẽ không còn như trước và Ukraine cũng vậy. Đó là lúc chúng ta nên nói về họ".

Trước đó, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky đã hối thúc EU kết nạp nước này vào liên minh. Vào ngày 1/3, người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Andrey Yermak tuyên bố rằng EU đã nhận được đơn đăng ký thành viên của Ukraine và đưa đi xem xét.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian.

Ngày 10/3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu bên lề hội nghị thượng đỉnh ở Versailles rằng ông không cho rằng có thể xem xét đơn xin gia nhập của Ukraine trong bối cảnh xung đột vũ trang.

Cũng tại hội nghị ngày 11/3, các nhà lãnh đạo châu Âu đã "dội gáo nước lạnh" lên hy vọng trở thành thành viên EU của Ukraine. Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic cho biết: “Không ai gia nhập Liên minh châu Âu chỉ sau một đêm".

Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel thì bày tỏ sự thông cảm và ủng hộ tinh thần: "Ukraine thuộc về gia đình châu Âu". Nhưng những lãnh đạo khác nói rõ Ukraine không được phép gia nhập một cách vội vàng.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết: "Không có quy trình nhanh chóng nào cả". Ông nói thêm rằng khối sẽ tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với Kiev. "Tôi muốn tập trung vào những gì chúng ta có thể làm cho Volodymyr Zelensky đêm nay, ngày mai và việc gia nhập EU của Ukraine, nếu có, là điều về lâu về dài".

Các nhà lãnh đạo EU tại thượng đỉnh hôm 11/3.
Các nhà lãnh đạo EU tại thượng đỉnh hôm 11/3.

Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine là cuộc tấn công lớn nhất vào một quốc gia châu Âu kể từ sau Thế chiến thứ 2. Nó đã phá vỡ trật tự an ninh của châu Âu và thúc đẩy các nước EU phải suy nghĩ lại về những gì khối này nên đại diện, cũng như các Chính sách kinh tế, quốc phòng và năng lượng của khối.

EU đã nhanh chóng áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng và cung cấp hỗ trợ chính trị, nhân đạo, vũ khí cho Ukraine sau khi bị Nga tấn công. Tuy nhiên nội bộ EU đã rạn nứt liên quan đến việc tiếp nhận Ukraine gia nhập.

(TASS)

>> Xem thêm: Nga: Mỹ đang phóng đại thiệt hại của Moscow tại Ukraine để khuấy động lòng dân

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: Ukraine EU Nga Zelensky