Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo các lực lượng bên ngoài can thiệp vào cuộc xung đột Ukraine. Ông hứa sẽ phản ứng "nhanh như chớp" đối với những hành động như vậy, sử dụng vũ khí tiên tiến nhất của Moscow.
Trò chuyện với các nhà lập pháp ở Moscow ngày 27/4, ông Putin nói: "Nếu ai đó từ bên ngoài quyết định can thiệp vào các sự kiện đang diễn ra và tạo ra mối đe dọa chiến lược không thể chấp nhận được đối với chúng ta, họ nên biết rằng phản ứng của chúng ta với những đòn tấn công sắp tới sẽ nhanh như chớp". Tổng thống Nga nói thêm: "Chúng ta có tất cả các công cụ để làm điều này. Những công cụ mà không ai ngoại trừ chúng ta có được. Nhưng chúng ta sẽ không khoe khoang. Chúng ta sẽ sử dụng chúng nếu có nhu cầu như vậy".
Tổng thống Putin nhấn mạnh các nhà chức trách Nga đã đưa ra tất cả những quyết định cần thiết để có một phản ứng như vậy.
Tuần trước, Moscow đã thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tối tân RS-28 Sarmat. Loại vũ khí có thể mang đầu đạn hạt nhân này còn có thể mang theo vài tàu lượn siêu thanh Avangard. Nó được cho là có thể vượt qua bất cứ hệ thống phòng không nào hiện có nhờ tốc độ cực cao và khả năng cơ động trong suốt quá trình di chuyển.
Không giống như Nga, Mỹ và các đồng minh NATO hiện không có vũ khí siêu thanh trong biên chế. Ít nhất cho tới hiện tại.
Các nước phương Tây đã tích cực cung cấp vũ khí cho Kiev, trong đó có các hệ thống tên lửa phòng không và chống tăng, xe bọc thép và pháo kể từ khi cuộc xung đột với Nga bắt đầu. Họ cũng áp đặt các biệt pháp trừng phạt gay gắt nhằm giảm khả năng tài trợ cho chiến dịch quân sự của Nga.
Tuy nhiên, cho đến nay Washington vẫn không có ý định đưa NATO tham chiến hoặc lập vùng cấm bay ở Ukraine do lo ngại đối đầu trực tiếp với Nga.
Moscow đã nhiều lần chỉ trích việc viện trợ các vũ khí sát thương cho Ukraine với lý do những thứ này sẽ chỉ làm mất ổn định tình hình và cản trở nguyện vọng hòa bình. Ngày 26/4, Ngoại trưởng Sergey Lavrov đã cáo buộc NATO "về cơ bản sẽ gây chiến với Nga thông qua ủy nhiệm và trang bị vũ khí cho nước ủy nhiệm đó".
Nga tấn công nước láng giềng từ ngày 24/2 sau khi Ukraine từ chối tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận Minsk, được ký năm 2014 và Moscow công nhận 2 nước cộng hòa Donetsk, Lugansk. Thỏa thuận do Đức và Pháp làm trung gian, được thiết kế để trao cho khu vực Donbass vị thế đặc biệt tại Ukraine.
Từ đó, điện Kremlin chính thức yêu cầu Ukraine tuyên bố mình là quốc gia trung lập và đảm bảo không gia nhập NATO. Ukraine coi cuộc tấn công của Nga là vô cớ và phủ nhận kế hoạch chiếm lại 2 nước cộng hòa bằng vũ lực.
(Theo RT)
>> Xem thêm: Mỹ có động thái 'động trời chuyển đất' giúp Ukraine 'chiến thắng' trong cuộc xung đột với Nga