Khi EU tiết lộ một kế hoạch phục hồi khổng lồ để đẩy mạnh sự hồi sinh từ cuộc khủng hoảng, con số thảm khốc của Mỹ là một lời nhắc nhở về đại dịch đang tàn phá khắp châu Mỹ. Theo thống kê của ĐH Johns Hopkins, số ca tử vong được xác nhận tại Mỹ trước 22h (giờ GMT) ở mức 100.047 ca với 1,69 triệu người nhiễm.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã dừng lại trong một cuộc họp báo để ghi nhận số ca tử vong vì "virus độc ác" gây sốc đã tàn phá các nền kinh tế. Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden đã trực tiếp chia sẻ đau buồn, mất mát với những gia đình có người thân chết vì dịch bệnh trên Twitter. "Đối với những người bị tổn thương, tôi rất tiếc cho sự mất mát của các bạn. Đất nước chia buồn với các bạn", cựu phó tổng thống viết.
Nam Mỹ, đặc biệt là quốc gia lớn nhất Brazil đã đưa ra báo động mới. Trong khi nhiều quốc gia phương Tây đang quay lại cuộc sống bình thường, virus tiếp tục hoành hành ở Mỹ Latin. Châu lục này đã vượt xa Mỹ và châu Âu về số ca nhiễm hàng ngày.
Carissa Etienne, giám đốc Tổ chức Y tế Pan American có trụ sở tại Washington cho biết: "Chúng tôi đặc biệt quan ngại rằng số ca nhiễm mới được báo cáo tại Brazil tuần trước là mức cao nhất trong vòng 7 ngày kể từ khi dịch bùng phát. Cả Peru và Chile đều báo cáo số ca nhiễm cao. Đó là dấu hiệu cho thấy sự truyền nhiễm vẫn đang tăng tốc ở những quốc gia này".
Brazil đã báo cáo số ca tử vong hàng ngày cao nhất thế giới trong 5 ngày liên tiếp, đẩy số ca tử vong lên 24.512, số ca nhiễm tăng lên hơn 390.000. Virus cũng đang thúc đẩy một cuộc khủng hoảng chính trị tại Brazil. Phe cánh hữu của tổng thống Jair Bolsonaro đã hạ thấp nguy cơ và đả kích việc các thống đốc bang yêu cầu mọi người ở nhà.
Trong khi đó, châu Âu đang dần mở cửa lại các doanh nghiệp khi sự bùng phát tại châu lục này đang chậm lại. Tuy nhiên, Italy và Tây Ban Nha thiếu hỏa lực như các nước châu Âu giàu có để xây dựng lại nền kinh tế. EU đã công bố kế hoạch phục hồi trị giá 750 tỷ euro (825 tỷ USD) để đưa lục địa phục hồi trở lại.