Cảnh báo được hãng KCNA đưa ra một ngày sau khi Triều Tiên cho nổ tung văn phòng liên lạc chung được dựng lên tại thị trấn biên giới. Đây là một phần trong thỏa thuận năm 2018 giữa các nhà lãnh đạo hai nước. Vụ việc xảy ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang do những tờ rơi tuyên truyền do những người đào tẩu thả sang Triều Tiên.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 15/6 đã đề nghị cố vấn an ninh quốc gia Chung Eui-yong của ông và giám đốc tình báo Suh Hoon làm đặc phái viên đến Triều Tiên. Tuy nhiên, bà Kim Yo Jong, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong Un và là một quan chức cấp cao của đảng cầm quyền, đã "thẳng thừng từ chối lời đề nghị thiếu khôn ngoan và nham hiểm", theo KCNA. Ông Moon "rất ủng hộ việc gửi các đặc phái viên để "giải quyết khủng hoảng" và thường xuyên đưa ra những lời đề nghị phi lý, nhưng ông ấy cần hiểu rõ rằng những mánh khóe như vậy sẽ không còn hiệu quả với chúng tôi nữa", KCNA viết. "Giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện tại giữa hai miền Nam, Bắc do sự bất tài và thiếu trách nhiệm của chính quyền Hàn Quốc gây ra là không thể và nó chỉ có thể được chấm dứt sau một cái giá phù hợp". Vẫn không có bình luận ngay lập tức từ văn phòng Tổng thống Moon.
Trong một thông điệp riêng, người phát ngôn Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) cho biết họ sẽ huy động quân đội tới núi Kumgang và Kaesong gần biên giới. Đây là 2 nơi mà 2 miền Triều Tiên đã thực hiện các dự án kinh tế chung trong quá khứ. Những đồn cảnh sát bị rút khỏi khu Phi quân sự (DMZ) sẽ được thiết lập lại. Các đơn vị phái binh đặt gần biên giới biển phía tây, nơi những người đào tẩu thường xuyên gửi tờ rơi cũng sẽ được tăng cường với cảnh báo sẵn sàng chiến đấu lên mức cao.
Người phát ngôn nói thêm Triều Tiên cũng sẽ khởi động lại việc gửi truyền đơn chống Hàn Quốc qua biên giới. "Các khu vực thuận lợi cho việc phát tờ rơi chống miền Nam sẽ mở lại trên toàn chiến tuyến và nỗ lực phát tờ rơi của chúng tôi sẽ được đảm bảo về mặt quân sự, các biện pháp quan ninh triệt để sẽ được thực hiện", ông nói.
KPA ngày hôm qua cho biết họ đang nghiên cứu một "kế hoạch hành động" để vào lại những khu vực phi quân sự theo hiệp ước quân sự liên Triều năm 2018 và "biến tiền tuyến thành một pháo đài".
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã kêu gọi Triều Tiên tuân thủ thỏa thuận, theo đó cả 2 bên tuyên bố sẽ chấm dứt "tất cả những hành động thù địch" và dỡ bỏ một số cấu trúc dọc DMZ.