Thời điểm hiện tại, có ba bộ phim truyền hình Việt đang lên sóng giờ vàng trên VTV là "Gia đình mình vui bất thình lình", "Món quà của cha" và "Làng trong phố". Trong khi "Làng trong phố" nhận được nhiều lời khen vì nội dung gần gũi, ít bi kịch, nhân vật giải quyết tình huống nhanh gọn thì "Món quà của cha" lại bị chê nhạt nhòa, thiếu điểm nhấn. "Gia đình mình vui bất thình lình" khiến khán giả "bất lực" vì càng về cuối càng dở.
"Món quà của cha" bị chê nhạt
Được kỳ vọng là dự án phim Việt hấp dẫn về đề tài gia đình, tuy nhiên khi lên sóng "Món quà của cha" lại gây nhiều tranh cãi. Phim xoay quanh cuộc sống của bốn bố con ông Nhân (NSƯT Võ Hoài Nam) - người làm nghề vớt xác, đóng quan tài ở quê.
Nghĩa (Tuấn Tú) con trai cả là người đã lập gia đình, nhưng lại bị mẹ vợ xem thường vì hoàn cảnh nghèo khó; Thảo (Ngọc Huyền) cô con gái thứ đang là sinh viên khoa Thanh nhạc gặp nhiều khó khăn khi ở trọ và quyết định đi hát ở phòng trà để kiếm thêm. Cuối cùng là Hiếu (Duy Khánh) người con út chưa có công ăn việc làm ổn định.
Việc xây dựng nhân vật tưởng chừng như không có lỗ hổng nhưng lại khiến người xem băn khoăn khi có những mâu thuẫn. Cụ thể, khi biết bố cho em trai 100 triệu để mua xe, cả Nghĩa và Thảo đều thể hiện sự bất mãn.
Cách nhân vật Thảo đối xử với bố và em trai cũng khiến nhiều người bất mãn vì cô chỉ chăm chăm lo cho người ngoài. Khi biết Hiếu chỉ là con nuôi, Thảo càng thể hiện rõ thái độ với em. Tuy nhiên, trong những tập gần đây, mâu thuẫn này đã được xử lý gọn nhẹ.
Tình tiết Thảo và cô bạn thân Ngọc (Quỳnh Trang) chuyển đến ở chung với cậu bạn thân cũng gây tranh cãi vì cho rằng không hợp lý. Sau khi bị mẹ bạn thân tới quở trách, cô mới dọn khỏi đó và tìm được nơi ở mới nhờ sự giới thiệu của anh chàng quản lý phòng trà tên Bo (Anh Đức).
Những tập gần đây, phim xoay quanh tình tiết Nghĩa bị thiếu nợ cũng gây được chú ý với khán giả. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cảm thấy nội dung bộ phim "nhạt", thiếu chiều sâu.
"Xem phim này mệt thật, dạo này phim giờ vàng xem mệt mỏi quá", "Xem phim để giải trí mà xem xong phim này thấy mệt mỏi hơn", "Phim khá hấp dẫn nhưng mong đạo diễn đừng để khiến người cha bị khổ đau quá", "Bức xúc với nữ chính quá đi mất",.... là những nhận xét của khán giả.
"Gia đình mình vui bất thình lình thật khó hiểu"
Có thể nói tới thời điểm hiện tại, "Gia đình mình vui bất thình lình" là bộ phim bị chê bai nhiều nhất. Từ việc xây dựng bi kịch cho vợ chồng Danh (Thanh Sơn) - Trâm Anh (Khả Ngân) cho tới việc khiến chị dâu cả Phương (Kiều Anh) sảy thai lần 3 và ly hôn với Công (Quang Sự). Hiện tại, phim đang "gỡ nút thắt" việc Công (Quang Sự) bị ung thư giai đoạn 3 và liên tục đòi chết.
Vì khuyên ngăn Công bất thành, cả gia đình đã chiều theo ý của anh là lo chuyện hậu sự như đi chụp ảnh thờ, đi xem đất xây mộ với những câu thoại cực sốc như: "Đằng nào cũng chết thì thay vì trốn tránh, bây giờ mọi người sẽ đối diện trực tiếp với nó", "Thèm cứ uống đi, sống được bao lâu mà phải nhịn", “Em với bố sắp tới còn có bia tươi chứ anh thì chỉ có bia lon mà uống”,...
Những tình tiết xoay quanh việc gia đình giúp Công chuẩn bị cho cái chết ở tập 50 khiến người xem ngán ngẩm vì thiếu thực tế, nhảm nhí. "Gia đình mình vui bất thình lình" khiến khán giả ngao ngán vì càng về cuối kịch bản càng lố bịch. Dù phim cố tình gây hài bằng chuyện cả gia đình đi xem đất xây mộ thông qua sự giới thiệu của tay môi giới (do Thái Sơn đóng) với những câu thoại "chọc cười" khán giả nhưng trên thực tế người xem chỉ thấy trích đoạn phim vô lý khi cười cợt trên nỗi đau của người mắc bệnh ung thư.
"Rồi thế này là vui bất thình lình dữ chưa", "Gia đình vui bất thình lình thật khó hiểu quá đạo diễn ơi", "Phim nhảm nhí quá mức, không hiểu sao biên kịch nghĩ ra được cái kịch bản này", "Đúng là bất thình lình, sắp chết mới vui", "Cái ông đạo diễn này là người đa nhân cách", "Xem phim thấy chóng mặt theo", "Khó thế mà biên kịch cũng nghĩ ra được",... là những bình luận của khán giả.
Trong bài đăng của nhóm Confession phim Việt, một tài khoản cho biết: "Gia đình mình vui bất thình lình có những idea mở đầu cho câu chuyện rất hay và mới. Tuy nhiên không biết là do bị bắt bôi phim ra để câu quảng cáo không, nhưng những phim của biên kịch càng về cuối câu chuyện lại càng lê thê và bắt đầu sử dụng những tình huống cũ mà 20 năm nay phim Hàn người ta cũng không dùng nữa rồi. Còn biên kịch các phim “bom tấn” gia đình của VFC hiện nay thì khỏi nói, tam quan lệch lạc, tình huống rời rạc, nhồi nhét drama nhưng xử lý như trò đùa.
Thêm nữa, biên kịch phim của VTV có vẻ quá thiếu ý tưởng và thiếu kiến thức thực tế. Các biên kịch VTV khi viết kịch bản làm ơn chịu khó đầu tư tìm hiểu về ngành nghề một chút chứ đừng kiểu viết về Luật sư mà nhân vật chính lại không hiểu tí gì về ngành Luật xong sử dụng từ ngữ chuyên môn sai như trong phim "Hành trình công lý" thì buồn cười lắm.
Đội ngũ seeding của VTV suốt ngày kêu là phim mô tả đời sống thật, vậy thì ít nhất khi làm phim thì cũng nên để khán giả có ngành nghề trong phim đồng cảm tí chứ nhỉ".
Bài viết này nhận được sự đồng tình của nhiều khán giả yêu phim Việt. "Phim Việt gần đây hay bị đầu voi đuôi chuột, mở đầu rõ hay, xong bôi ra dài lê thê rồi bất thình lình tóm gọn để kết thúc nhanh hơn cả người yêu cũ trở mặt", một tài khoản nhận xét.
Được biết, hầu hết các bộ phim Việt gần đây đều được quay theo hình thức "cuốn chiếu", ngay cả diễn viên chính họ cũng không biết kết cục của nhân vật mình đóng sẽ ra sao. "Với tôi, khó khăn khi quay cuốn chiếu là lúc bắt đầu câu chuyện. Tôi không biết nhân vật của mình sẽ đi đâu về đâu, kết cục như thế nào và phát triển tích cách ra sao", Lan Phương chia sẻ trên báo Tiền phong.