WHO cho biết căn bệnh sốt xuất huyết truyền nhiễm cùng họ với Ebola, lây sang người do dơi ăn quả và lây truyền giữa người với người do tiếp xúc trực tiếp với dịch cơ thể người nhiễm hoặc các bề mặt bị nhiễm virus.
Một phân tích sơ bộ các mẫu bệnh phẩm của 2 bệnh nhân đến từ vùng Ashanti phía nam của Ghana đều cho kết quả dương tính. Nhưng các mẫu bệnh phẩm này đã được chuyển đến Viện Pasteur ở Dakar, Senegal để xác nhận đầy đủ hơn. Trong một tuyên bố hôm 17/7, WHO cho biết phòng thí nghiệm của họ đã chứng thực kết quả từ Viện Nghiên cứu Y khoa Noguchi Memorial ở Ghana.
Ca nhiễm đầu tiên là một nam thanh niên 26 tuổi, nhập viện ngày 26/6 và tử vong ngày 27/6. Trường hợp thứ hai là một người đàn ông 51 tuổi, nhập viện ngày 28/6 và tử vong cùng ngày. Cả 2 người đàn ông đều đến điều trị tại cùng một bệnh viện.
"Các cơ quan y tế đã phản ứng nhanh chóng, bắt đầu chuẩn bị cho một đợt bùng phát có thể xảy ra", Giám đốc khu vực châu Phi của WHO, Tiến sĩ Matshidiso Moeti cho biết. "Điều này là tốt bởi nếu không có hành động dứt khoát, ngay lập tức thì Marburg có thể dễ dàng vượt khỏi tầm kiểm soát. WHO hiện đang có mặt để hỗ trợ các cơ quan y tế và dịch đã được công bố, chúng tôi đang chuẩn bị thêm nguồn lực để ứng phó".
Hơn 90 người tiếp xúc với bệnh nhân, trong đó có cả các nhân viên y tế và người dân bình thường đều đã được xác định và đang được theo dõi.
Marburg có khả năng rất nguy hiểm và gây chết người. Tỷ lệ tử vong trong các đợt bùng phát trước đây dao động từ 24% đến 88%.
Đợt bùng phát này chỉ đánh dấu lần thứ 2 bệnh được phát hiện ở Tây Phi. Trước đó, Guinea xác nhận một ca nhiễm duy nhất được phát hiện vào tháng 8. Dịch bùng phát ở Guinea được công bố hơn 5 tuần sau đó.
WHO cho biết các đợt bùng phát Marburg trước đây và các ca bệnh riêng lẻ đã xuất hiện ở Angola, Congo, Kenya, Nam Phi và Uganda.
>> Xem thêm: Xuất hiện thêm dịch bệnh mới khiến WHO phải họp khẩn