Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết sự mở rộng địa lý chưa từng có của virus có thể cần phải một phản ứng quốc tế phối hợp. Ông tuyên bố đã triệu tập một cuộc họp của ủy ban khẩn cấp vào ngày 23/6.
Tedros nói trong cuộc họp báo hàng tuần của WHO: “Tôi nghĩ tình hình bây giờ rõ ràng là một tình huống bất thường. Chúng tôi tin rằng… các chuyên gia bên ngoài có thể mở rộng sự hiểu biết và kiến thức mà chúng tôi có về loại virus này.”
Tính đến ngày 14/6, đã có hơn 1.700 trường hợp được xác nhận và nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ được báo cáo từ 40 quốc gia nơi loại virus này thường không được tìm thấy. Tại Mỹ, 17 tiểu bang và Đặc khu Columbia đã báo cáo 65 ca nhiễm.
Nhiễm đậu mùa khỉ gây ra các triệu chứng giống như bệnh cúm - sốt, đau nhức cơ thể, ớn lạnh - nhưng cũng làm sưng các hạch bạch huyết. Các triệu chứng có thể bắt đầu bằng sốt và khó chịu, sau đó vài ngày là xuất hiện tình trạng phát ban. Trong lòng bàn tay hoặc quanh bộ phận sinh dục có thể xuất hiện mụn nước.
Cho đến nay, WHO vẫn chưa được thông báo về bất kỳ ca tử vong nào trong số các ca bệnh, nhưng ông Tedros cho biết cơ quan này đã liên hệ với Brazil để hỏi về các báo cáo nói rằng có một ca nhiễm đậu mùa khỉ tử vong tại nước này.
Ủy ban khẩn cấp sẽ có nhiệm vụ đánh giá xem đợt bùng phát có cấu thành Tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng Quốc tế (PHEIC) hay không. PHEIC được thiết lập theo Quy định Y tế Quốc tế để hỗ trợ WHO trong các trường hợp khẩn cấp về y tế.
Trang web của WHO định nghĩa PHEIC là “một sự kiện bất thường được xác định là có thể tạo thành nguy cơ sức khỏe cộng đồng cho các Quốc gia khác do sự lây lan dịch bệnh quốc tế và có khả năng cần một phản ứng quốc tế phối hợp”. Theo quy định thì tình huống phải nghiêm trọng, đột ngột, bất thường hoặc bất ngờ, có tác động đến sức khỏe cộng đồng xuyên biên giới và có thể cần phải có hành động quốc tế.
Gần như chắc chắn rằng sự lây lan nhanh chóng của virus qua châu Âu, các khu vực của châu Mỹ và xa hơn nữa là bất thường và nghiêm trọng, có ảnh hưởng rộng rãi đến sức khỏe cộng đồng. Và đã có bằng chứng cho thấy phản ứng sẽ cần sự phối hợp quốc tế. Các loại vaccine và thuốc có hiệu quả để ngăn ngừa và điều trị bệnh đậu mùa ở khỉ bị hạn chế cung cấp trên toàn cầu. Ông Tedros cho biết WHO đang làm việc với các quốc gia và các đối tác khác để phát triển một cơ chế phân phối những nguồn cung này một cách công bằng.
Ibrahima Socé Fall, trợ lý tổng giám đốc phụ trách ứng phó khẩn cấp, cho biết việc triệu tập ủy ban khẩn cấp của WHO sẽ hỗ trợ cơ quan này đối phó với bệnh đậu mùa ở khỉ. “Chúng tôi tin rằng với lời khuyên từ ủy ban khẩn cấp, chúng tôi có thể ở một vị trí tốt hơn để kiểm soát tình hình. Chúng tôi không muốn đợi cho đến khi tình hình vượt quá tầm kiểm soát mới bắt đầu gọi cho ủy ban khẩn cấp”, ông Fall nói.
Ông Tedros cũng xác nhận rằng WHO đang làm việc với các đối tác để đặt tên mới cho virus đậu mùa khỉ, căn bệnh mà nó gây ra . Các nhóm virus hiện được đặt tên theo các khu vực của châu Phi nơi chúng đọc tìm thấy trong tự nhiên.
Cuối tuần qua, một nhóm chuyên gia, dẫn đầu là một nhóm các nhà khoa học châu Phi, đã kêu gọi hành động. Họ nói rằng những cái tên hiện tại là kỳ thị và không tuân theo các quy tắc đặt tên mà WHO đã thiết lập.
(Theo Statnews)
>> Xem thêm: Sau Covid-19, nhiều quốc gia lại 'đau đầu' vì bệnh đậu mùa khỉ, tốc độ lây lan liệu có 'khủng'?