Trong tuyên bố của mình, WHN cho biết sự bùng phát đang nhanh chóng mở rộng trên nhiều châu lục và sẽ không dừng lại nếu không có sự hành động toàn cầu. Thông báo của WHN được đưa ra trước cuộc họp khẩn của WHO được tổ chức trong ngày hôm nay để bàn về đậu mùa khỉ.
Ngay cả khi tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều so với bệnh đậu mùa, đại dịch mới vẫn có thể khiến hàng triệu người thiệt mạng và nhiều người bị mù, bị tàn tật nếu không có hành động ngăn chặn lây lan. WHN cho biết mục đích thiết yếu của việc tuyên bố đậu mùa khỉ là đại dịch nhằm đạt được một nỗ lực phối hợp giữa nhiều quốc gia hoặc toàn thế giới để ngăn chặn tác hại trên diện rộng.
"Không có lý do gì để chờ đợi đại dịch đậu mùa khỉ phát triển hơn nữa. Thời điểm tốt nhất để hành động là bây giờ. Bằng cách hành động ngay lập tức, chúng ta có thể kiểm soát sự bùng phát với nỗ lực ít nhất và ngăn hậu quả trở nên tồi tệ hơn. Các hành động cần thiết bây giờ chỉ cần công khai rõ ràng các triệu chứng, xét nghiệm trên diện rộng và truy vết tiếp xúc với rất ít thời gian cách ly kiểm dịch. Bất cứ sự trì hoãn nào cũng khiến những nỗ lực khó khăn hơn và hậu quả tồi tệ hơn", Tiến sĩ Yaneer Bar-Yam, Chủ tịch Viện Hệ thống Phức hợp New England, đồng thời là đồng sáng lập WHN, nói.
“WHO cần khẩn trương tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu (PHEIC) — những bài học về việc không công bố PHEIC ngay lập tức vào đầu tháng 1/2020 nên được ghi nhớ như một bài học lịch sử về những gì hành động muộn đối với dịch bệnh có thể có ý nghĩa đối với thế giới", Tiến sĩ Eric Feigl-Ding, Nhà dịch tễ học và Kinh tế học Sức khỏe, đồng thời là người đồng sáng lập WHN cho biết.
WHN đang thúc giục WHO và các tổ chức CDC quốc gia hành động ngay lập tức. "Hành động sớm sẽ có tác động lớn hơn với các biện pháp can thiệp nhỏ hơn. Nếu hành động hiệu quả được thực hiện ngay bây giờ thì sẽ không cần thực hiện các can thiệp lớn hơn, gián đoạn hơn. Các cơ quan y tế và chính phủ nên học hỏi từ những sai lầm trong quá khứ trong việc trì hoãn phản ứng".
Bệnh đậu mùa khỉ và bệnh đậu mùa xuất phát từ cùng một họ virus, được gọi là Orthopoxvirus. Bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh nhiễm trùng do virus có nguồn gốc từ động vật gặm nhấm và linh trưởng và truyền sang người. Nó được tìm thấy ở Châu Phi, hầu hết xung quanh các khu vực rừng mưa nhiệt đới nhưng hiện đã lan rộng ra khắp thế giới, đặc biệt là ở các nước phương Tây. Theo WHO, bệnh đậu mùa khỉ thường biểu hiện lâm sàng với sốt, phát ban và sưng hạch bạch huyết và có thể dẫn đến một loạt các biến chứng y tế. Bệnh đậu mùa khỉ thường là một bệnh tự giới hạn với các triệu chứng kéo dài từ 2-4 tuần.
Các bằng chứng chứng minh nhiều con đường lây truyền bệnh đậu mùa ở khỉ, bao gồm tiếp xúc cơ thể (chạm vào người bị nhiễm bệnh, đặc biệt là nốt ban/nốt phỏng), tiếp xúc với quần áo, giường và đồ vật bị ô nhiễm, hít thở các hạt trong không khí và tiếp xúc thân mật/quan hệ tình dục.
(Theo livemint)
>> Xem thêm: Đông Nam Á có ca nhiễm đậu mùa khỉ đầu tiên, nhà chức trách ráo riết truy vết tiếp xúc