- Lộ diện khối gỗ sưa nặng 3 tấn, trị giá hàng chục tỷ đồng
- Khúc gỗ sưa tiền tỷ: Ông trùm xuất hiện, tình thế thay đổi
- Thông tin mới nhất về khối gỗ sưa có giá trị hàng chục tỷ đồng ở Quảng Bình
Sau hai ngày vất vả trục vớt, gốc sưa “khủng” chìm sâu dưới suối đã được về “yên vị” trong kho của Hạt Kiểm lâm Bố Trạch. Tuy nhiên, câu chuyện ăn chia giữa người được sưa và Nhà nước đang là đề tài “nóng” trong dư luận nhân dân Quảng Bình.
Cận cảnh khối gỗ sưa tiền tỷ được trục vớt tại Quảng Bình:
Hạt trưởng bị truy sát và “ép” ký cam kết chia phần trăm
Làm việc với PV Tiền Phong sau một ngày trục vớt gốc gỗ sưa “khủng” thành công (27/2), nói về diễn tiến của vụ việc, ông Phạm Văn Tân, Hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm Bố Trạch cho biết:
Nhận được thông tin có người rà cá, được sưa đang tổ chức trục vớt tại suối Troóc, ngay lập tức ông cho người đi xác minh. Tin báo về là chính xác, ông liền báo cáo lên lãnh đạo huyện Bố Trạch và Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình.
UBND huyện ngay lập tức tổ chức cuộc họp khẩn bàn về vấn đề này, với sự có mặt của các ngành chức năng trong huyện và hai xã Phúc Trạch, Xuân Trạch, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Phan Văn Gòn. Cuộc họp kết thúc với trách nhiệm trục vớt thuộc về Kiểm lâm; công tác an ninh, bảo vệ vòng trong, vòng ngoài phía Công an đảm nhiệm; chính quyền hai xã vận động nhân dân chấp hành pháp luật; Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, ông Trần Quang Vũ chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường.
Việc ăn chia giữa người được gốc sưa “khủng” với Nhà nước đang là đề tài nóng trong dư luận
Khoảng 9 giờ sáng ngày 24/2, lực lượng chức năng của huyện Bố Trạch và thêm nhiều kiểm lâm viên được điều động từ VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, các hạt trong tỉnh đến hiện trường.
Khi lực lượng chức năng có mặt, nhiều người dân vẫn dùng đòn bẩy, ròng rọc tự ý trục vớt mà không có dấu hiệu ngưng công việc. Để tránh tình huống xấu có thể xảy ra, lực lượng chức năng đã cho mời anh Huy (người được sưa) và gia đình đến để thương thảo. Phía người nhà anh Huy chấp nhận ăn chia 10% với nhà nước nhưng phải được trả tiền trước.
Yêu cầu này của người nhà anh Huy không được chấp nhận, cùng với sự kích động của nhiều đối tượng khiến tình hình lúc đó rất phức tạp. Để tránh tình huống xấu xảy ra, ông Tân đã phải đứng ra ký cam kết với người nhà anh Huy, mức ăn chia 1/3 giá trị tài sản trục vớt.
“Đúng ra mức ăn chia chỉ 10%, nhưng lúc đó tình hình quá nóng nên anh Vũ chỉ đạo tôi ký vào bản cam kết để ổn định tình hình. Còn về trách nhiệm cũng như tính pháp lí của bản cam kết thì khi tôi ký có sự chứng kiến của nhiều người, ai cũng biết anh Vũ chỉ đạo tôi ký. Tôi không ký không được” - ông Tân nói.
Theo ông Tân, mặc dù đã ký cam kết như vậy nhưng tình hình vẫn rất nóng. Đêm 24, rạng sáng 25/2, sau khi ông Tân cùng ông Duẫn ở Chi cục Kiểm lâm đi thị sát một vòng trở về thì bị hai nhóm đối tượng khoảng 20 người dùng dao truy sát.
Họ lấy cớ không cho hai ông này đi qua ruộng lạc và hô hào vác dao đuổi theo về sát hiện trường, nơi có hơn 60 cán bộ, chiến sỹ công an bảo vệ. Khi thấy ánh điện chiếu lên, kèm theo máy quay của công an chĩa vào, những đối tượng này mới rút lui.
Cố tình giấu giếm để trục vớt
Liên quan việc xuất hiện của trùm gỗ sưa Hùng “mía” tại hiện trường để chỉ đạo trục vớt gỗ sưa, ông Tân khẳng định: Hùng “mía” không có vai trò gì liên quan đến việc trục vớt gốc sưa nói trên.
Thông tin Hùng “mía” mua lại phần ăn chia của anh Huy, ông Tân không được biết. Còn việc ông Hùng “mía” vào vòng trong có biểu hiện chỉ đạo việc trục vớt thuộc trách nhiệm của công an, quân đội.
“Nói thật lúc đó tôi tập trung lo chỉ đạo trục vớt nên không để ý đến sự xuất hiện của Hùng “mía”. Nếu có, thì trách nhiệm ngăn cản, đuổi ra khỏi hiện trường là của công an, quân đội” - ông Tân nói.
Văn bản cảm kết ăn chia 1/3 giá trị tài sản tại hiện trường giữa ông Tân với người nhà anh Huy
Trao đổi với luật sư Lê Minh Tâm, Văn phòng Luật sư Hướng Dương (Quảng Bình) liên quan đến thỏa thuận ăn chia giá trị gốc sưa nói trên, ông cho rằng nếu có việc trích phần trăm chi trả cho người phát hiện trong trường hợp này là trái luật.
“Khoan hãy bàn đến việc anh Huy có bán phần của mình cho ông Hùng “mía” nào đó hay không, mà ngay cả bản thân ông Huy cũng không thể nhận số tiền dù là 10% chứ chưa nói đến 1/3 như bản cam kết vì đã vi phạm pháp luật” - luật sư Tâm khẳng định.
Lí giải cho khẳng định của mình, Luật sư Tâm cho rằng: Khi tình cờ tìm thấy gốc sưa, anh Huy đã không chủ động thông báo cho cơ quan chức năng mà lén lút trục vớt.
Việc làm này vi phạm Khoản 6, Điều 4 của Nghị định 96/2009 của Chính phủ về xử lí tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được phát hiện hoặc tìm thấy thuộc đất liền, các hải đảo và vùng biển Việt Nam. Trường hợp của anh Huy đáng ra còn bị xử lí hành chính, hoặc nặng hơn là xử lí hình sự.
“Quy định của pháp luật chúng ta là khuyến khích những người tự giác, không tham của công. Trường hợp anh Huy đã có ý định tư lợi cho mình nhưng không thành, còn làm khó ra điều kiện với cơ quan chức năng. Nếu trích phần trăm là trái luật” - luật sư Tâm khẳng định.
Trước những nhận định của luật sư Tâm, ông Phạm Văn Tân, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Bố Trạch cho rằng: Tới đây, trong các văn bản tham mưu liên quan đến gốc sưa nói trên, ông sẽ đề cập đến vấn đề này. Còn việc quyết định thế nào là của cấp trên.
Khoản 6, Điều 4 của Nghị định 96/2009 của Chính phủ Về việc xử lý tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được phát hiện hoặc tìm thấy thuộc đất liền, các hải đảo và vùng biển Việt Nam quy định: Tổ chức, cá nhân khi phát hiện hoặc ngẫu nhiên tìm thấy tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm nếu không thông báo, không giao nộp tài sản được tìm thấy hoặc tự khai quật, trục vớt tài sản thì không được hưởng các quyền lợi theo quy định tại Điều 16, Điều 17 Nghị định này và bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. | |