Trong 3 trường hợp, nặng nhất là ông Ma Đình H. (34 tuổi, ở Định Hóa - Thái Nguyên) có biểu hiện sốt nóng đột ngột – sốt nóng thành cơn, đi ngoài phân lỏng, tức ngực, mệt lả.

Gia đình đưa ông vào Bệnh viện huyện Định Hóa để khám và điều trị. Đến 1h30 phút ngày 27/5 được chuyển đến Khoa bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên với các dấu hiệu lâm sàng như vật vã, kích thích, da xanh, niêm mạc nhợt, có nhiều nốt chấm xuất huyết rải rác toàn thân, không phù và được chẩn đoán nhiễm trùng huyết có sốc nhiễm khuẩn. 

BSCKII. Lê Hùng Vương, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc đang thăm khám cho người bệnh.

Sau khi được điều trị bệnh nhân có diễn biến phức tạp sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, sốt liên tục và được chuyển sang khoa Hồi sức tích cực – Chống độc điều trị tích cực, thở máy qua nội khí quản, dùng thuốc an thần, lọc máu liên tục. Kết quả xét nghiệm bệnh nhân mắc liên cầu lợn. Hiện tại bệnh nhân nặng, nguy kịch đến sức khỏe và tính mạng.

Trường hợp còn lại là ông Ma Doãn V. (49 tuổi, cùng địa chỉ - người nuôi và có dê bị chết) được nhập viện sau do có những biểu hiện, diễn biến chậm hơn so với ông H. kết quả xét nghiệm đã xác định bệnh nhân mắc liên cầu lợn.

Hiện tại cả 2 bệnh nhân đang được điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, còn một trường hợp khác đã được cho xuất viện sau khi điều trị tại bệnh viện tuyến huyện.

Được biết, những người này đều không ăn tiết canh dê, sau khi phát hiện dê mới chết gia đình mang đi cắt tiết bỏ đi, lòng, chân, đầu,... đều bỏ và mang đi chôn, chỉ lấy thịt.

Các món thịt dê đều nấu chín, xong theo các bác sĩ nói, có thể trong quá trình chế biến vi khuẩn còn lưu lại ở các dụng cụ, hoặc ruồi muỗi khi bám vào mang theo dẫn đến lây nhiễm sang người. 

Liên cầu khuẩn lợn là căn bệnh diễn biến nặng, chi phí điều trị rất tốn kém có thể lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi ca nhưng nhiều trường hợp vẫn không thể qua khỏi.

VnMedia thông tin thêm về dấu hiệu mắc liên cầu lợn. Cụ thế, khi mắc bệnh do liên cầu lợn, người bệnh thường có sốt cao, đau đầu, ù tai, xuất huyết dưới nhiều dạng khác nhau như xuất huyết dưới da từng mảng, đôi khi gây hoại tử, xuất huyết tiêu hóa. Trong bệnh liên cầu lợn hay gặp là nhiễm khuẩn huyết (vi khuẩn liên cầu lợn vào máu, nhân lên nhanh chóng và đồng thời tiết ra nhiều độc tố).

Khi nhiễm khuẩn huyết, ngoài các triệu chứng trên, người bệnh có thể bị nhiễm độc tố rất nặng, biểu hiện như tụt huyết áp, mạch nhanh, nhỏ, trụy tim mạch, suy hô hấp và có thể tử vong nếu không phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Một số trường hợp xuất hiện nhiễm độc đường tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa (đi ngoài nhiều lần, phân lỏng, có máu). 

Người bệnh cũng có thể bị viêm màng não do vi khuẩn liên cầu lợn như sốt cao, co giật, nôn vọt, sợ ánh sáng... Nếu phát hiện sớm có thể cứu chữa được, nếu không thì có thể gây phù não, hôn mê và tử vong. Được biết, trong số 16 bệnh nhân mắc liên cầu lợn nằm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trong mấy tháng vừa qua thì có 4 bệnh nhân thuộc thể nhiễm khuẩn huyết và 14 bệnh nhân viêm màng não do liên cầu lợn.

Trang Vũ (tổng hợp)