Việc áp dụng mô hình trường học mới (VNEN) vẫn là một vấn đề nan giải đối với nhiều trường học trong cả nước hiện nay.
Mô hình trường học mới đang dần tiến tới việc phổ cập sau hai năm thí điểm thế nhưng để có thể đưa mô hình mới này đi vào hoạt động thật sự hiệu quả thì có lẽ vẫn còn là một vấn đề. Bởi vì, những lý thuyết trên giấy và thực tế trường học còn quá nhiều bấp bênh đã khiến cho không ít trường phải loay hoay tìm giải pháp cho việc áp dụng.
Theo mô hình mới là một lớp học sẽ được chia nhỏ ra thành từng nhóm nhỏ để cho học sinh có thể tự đọc, tìm hiểu bài rồi giảng cho nhau nghe thế nhưng không phải học sinh nào cũng có thể là được điều đó. Vì vậy sợ rằng nó sẽ chỉ giúp cho các em học sinh giỏi, khá phát triển thêm nhưng những em kém thì mãi không tiến bộ được vì không dám trao đổi.
Trao đổi trên báo điện tử VTV, cô Hiền giáo viên trường tiểu học Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết trong một lớp học có nhóm học sinh yếu kém và nhóm học sinh giỏi, và những học sinh yếu kém sẽ tự ti, không mạnh dạn trao đổi với các bạn; đồng thời để áp dụng vào lớp học của mình cô đã mất hẳn một học kỳ để xây dựng đội ngũ lãnh đạo lớp và đưa lớp vào khuôn khổ.
Lớp học theo mô hình VNEN (Ảnh: Hà Nội Mới) |
Là một phần của dự án nhưng ngay trong dự thảo Điều lệ trường tiểu học cũng có những quy định khiến cho các thầy cô giáo phải đau đầu.
Trên báo Người lao động, thầy Phạm Thanh Minh – Hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Văn Ơn (Tp.Hồ Chí Minh) cho rằng việc áp dụng mô hình trường tiểu học mới như cách trang trí của phòng học, tổ chức hoạt động hội đồng tự quản là rất khó đối với sĩ số trung bình mỗi lớp học lên tới 40 em.
Bên cạnh đó, quy định hiệu trưởng phải tham gia giảng bài 2 tiết/tuần cũng rất khó vì đặc thù của trường tiểu học là có giáo viên chủ nhiệm nên sẽ không biết chen vào dạy vào lúc nào.
Vì vậy nhiều trường đã phải tìm cách “lách luật” bằng việc tính những lần sinh hoạt dưới cờ và một số hoạt động khác do hiệu trưởng, hiệu phó thực hiện và quy đổi thành giờ dạy.
Còn theo PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng trường Lương Thế Vinh cho rằng: “Nếu điều lệ đi vào thực tiễn, thì quy định 35 học sinh/lớp phải được áp dụng. Các trường học tại Hà Nội hiện nay đa số có từ 50 - 60 em/lớp phải xử lý thế nào? Xây thêm trường, tuyển thêm giáo viên là điều khó trong điều kiện hiện nay” – Báo Tiền Phong dẫn lời.
Được biết, điểm nổi bật của mô hình trường học mới là nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm, quản lý lớp học là Hội đồng tự quản học sinh, các ban với sự tư vấn trợ giúp của giáo viên, phụ huynh. Điều này giúp các em chủ động, tích cực, phát huy tính sáng tạo của các em trong học tập thế nhưng để có thể áp dụng được vào thực tiễn một cách hiệu quả nhất thì có lẽ cần phải có những cơ chế linh hoạt hơn.
Hạ Vân (tổng hợp)