Giang hồ Hải Phòng coi ngày Dung Hà bị bắn chết là một ngày ám ảnh của giang hồ đất Cảng. Đám tang của Dung Hà cũng là một đám tang được dân giang hồ truyền tai nhiều tình tiết cho đến nay vẫn đầy kỳ bí. Những bí mật về nó dần được hé lộ.
Điều đáng nói có không ít chuyện kỳ quái quanh ngôi mộ của bà trùm xã hội đen này... Mấy tháng cuối năm, mộ hoang vắng bát hương nguội lạnh. Cây mai bên cạnh mộ, do người bạn “bà trùm” từ miền Nam mang ra trồng giờ đã héo khô.
Đám tang không ít xã hội đen?
Khoảng 0h25 ngày 2/10/2000, một tiếng súng khô khốc, lạnh lùng vang lên trong đêm vắng trước quán karaoke ở số 17 Bùi Thị Xuân, quận 1, TP.Hồ Chí Minh. Ngay sau đó là một phụ nữ ngã gục xuống. Sát thủ mang tên Hưng "phi nhon", còn nạn nhân là Vũ Thị Hoàng Dung, tức Dung Hà, một “bà trùm” nổi danh giang hồ đất Cảng.
Đến nay, dân giang hồ đất Cảng nói riêng và giang hồ cả nước nói chung đều coi đêm mùng 2/10/2000 là một "bước ngoặt của lịch sử tội phạm Việt Nam", khi “bà trùm” khét tiếng bị hạ thủ lúc đang đứng trên "đỉnh cao của quyền lực đen". Đêm đó, những quán rượu tại đất Cảng đóng cửa khuya hơn thường lệ... Đệ tử của Dung Hà ở đất Cảng tên Gi. "trâu" đã khóc thét khi nghe tin "chị trùm" chết và tru tréo lên rằng, thủ phạm đích thị là Năm Cam - tức Trương Văn Cam - "ông trùm" nổi danh Sài thành. Gi. "trâu" còn thề rằng, sẽ trả thù cho "chị trùm" sau khi chị đã "mồ yên, mả đẹp".
Bà trùm Dung Hà (thứ 2 từ trái sang) cùng đám đệ tử một thời. (Ảnh nguồn internet)
Việc "chị trùm" Dung Hà bị hạ thủ khiến giang hồ đất Cảng ở Sài thành như "rắn mất đầu". Bởi, thời điểm đó chưa giang hồ đất Cảng nào đủ "lực" và "tầm" để làm "đối thủ" với Năm Cam tại Sài thành. Ngô Đức Minh (tức Minh "Sứt"), người tự nhận là anh kết nghĩa của Dung Hà, một giang hồ đất Cảng thứ thiệt tại Sài thành, khi đó đang là Giám đốc công ty Vận tải biển Cửu Long đã "bao tiêu" toàn bộ việc đưa em gái kết nghĩa từ Sài thành về đất Cảng mai táng.
Với "uy" có được trong giới giang hồ đất Cảng, nghe tin Dung Hà chết, nhiều gã giang hồ mong được đưa xác "chị" về quê nhà an táng. Minh "Sứt" cũng không ngoại lệ. Hắn đã "thừa nước đục thả câu", "bắn một mũi tên trúng nhiều đích". Việc "bao tiêu" đám tang em gái kết nghĩa của Minh "Sứt" rõ ràng là muốn thể hiện vị thế giang hồ của mình và hơn thế nữa là muốn thâu nạp đám đàn em của Dung Hà về dưới trướng. Vì thế, Minh "Sứt" đã tổ chức một đám tang sặc mùi xã hội đen Hồng Kông và cho đến nay, đây vẫn là đám tang độc nhất vô nhị ở đất Cảng. Đám tang vừa thể hiện được độ "chịu chơi" của Minh "Sứt", vừa thể hiện được vị thế của "bà trùm" danh tiếng.
Chắc hẳn, nhiều người dân Hải Phòng vẫn chưa quên được những ngày diễn ra đám tang Dung Hà. Dọc phố Trạng Trình nơi Dung Hà đã từng sống, dân giang hồ, xã hội đen diện toàn vest đen, đeo kính đen đứng trang nghiêm đón khách. Trong đám tang, rất nhiều loại "thầy" được mời đến như thầy cúng, thầy địa lý, thầy Phong thủy... Theo Gi. "trâu" kể lại, chỉ riêng khoản hoa tươi cũng đã "ngốn" của đám đệ tử bạc triệu.
Gi. "trâu" cho biết, những đệ tử trong giới giang hồ đất Cảng được chọn phục vụ cho tang lễ của "chị trùm" đều có mặt mũi sáng sủa. Những người đến tham dự đám tang cũng được "ban tổ chức" yêu cầu mặc comple đen với nam giới và áo váy đen với nữ giới. Trước giờ đưa "chị trùm" về nơi an nghỉ cuối cùng, mọi ngả đường dẫn về nghĩa trang Ninh Hải đều được giới xích lô, xe ôm, xe thồ, bốc vác... "làm trật tự". Không một phương tiện nào được phép xâm phạm con đường đưa "chị trùm" về nơi an nghỉ cuối cùng? Trong đám tang của Dung Hà, một đoàn người kéo dài kín phố. Không ít người dân đất Cảng đã gác lại công việc của buổi sáng hôm đó để đến tận mục sở thị.
Tiết lộ bất ngờ và cây mai không thể nở hoa?
Khi còn sống, Dung Hà "lừng lẫy" trong giới tội phạm là thế nhưng sau cái chết của "chị trùm", đám đệ tử thân tín cũng đã tan tác bởi sự nghiêm trị của pháp luật. Gã anh kết nghĩa Minh "Sứt", kẻ từng được "xưng tụng" là đại gia đất Cảng một thuở, nay cũng đã phải ngồi tù vì hành vi vi phạm pháp luật. "Chị cả" Oanh Hà cũng vừa "nhập kho" vì tội tổ chức đánh bạc.
"Oai chấn" giang hồ của Dung Hà nơi đất Cảng, giờ chỉ còn sót lại duy nhất nấm mồ hoang lạnh, nằm trong góc khuất của nghĩa trang Ninh Hải. Theo ông Đ., người làm vệ sinh đã nhiều năm ở nghĩa trang này thì "mộ của “bà trùm” Dung Hà thuộc vào loại "lì" nhất nghĩa trang bởi cả khu chỉ còn lại hai ngôi mộ đã chôn quá lâu mà vẫn chưa được người thân tiến hành cải táng. Bình thường, mộ ở khu địa táng chỉ chôn 3-5 năm, cùng lắm là 6 năm rồi cải táng, chuyển đi nơi khác. Thế nhưng, mộ của “bà trùm” Dung Hà ở khu địa táng đã gần 15 năm rồi. Hai bên ngôi mộ là hai cây cau vua, sai trĩu quả.
Hoang lạnh mộ bà trùm xã hội đen Dung Hà
Ông Đ. cho biết: "Trước kia, ngày Rằm, mồng Một vẫn có người đến thắp hương. Trên mộ vẫn có hương và diêm để những người viếng thăm có thể thắp cho người đã khuất. Thời gian đầu, mộ của Dung Hà được chăm sóc bởi đám thanh niên trông rất bụi bặm. Sau đó có cả nữ giới, người lớn tuổi... chắc là người thân của người đã khuất. Hiện tại, vẫn có người chăm sóc mộ nhưng đó không phải là những "đệ tử" thân tín của "bà trùm" nữa. Hàng gạch lát trước bia mộ nay đã xộc xệch và vỡ nát đi rất nhiều.
Một phụ nữ chuyên nhặt hoa tươi ở vòng hoa các mộ tại nghĩa trang này tiết lộ: "Tôi vẫn mua và cắm hoa tươi lên mộ chị Dung theo lời dặn dò của người nhà chị ấy. Trước kia, thỉnh thoảng vẫn có người đến viếng và để lại hoa quả. Từ ngày chị Oanh bị bắt, người đến viếng mộ giảm đi một nửa so với trước. Mấy tháng cuối năm, mộ hoang vắng luôn. Các bác thấy đấy, bát hương cũng đã nguội lạnh. Cây mai bên cạnh mộ, do người bạn từ miền Nam mang ra trồng giờ đã héo khô. Đặc biệt, gần 15 năm qua, nó chưa một lần nở hoa. Không biết có phải do thời tiết quá lạnh hay vía của "bà trùm" quá nặng?".
"Trước đó có thông tin, gia đình cải táng chuyển cốt của cô ấy về Thủy Nguyên, quê gốc. Nhưng ngần ấy năm qua, chẳng thấy ai đến cải táng. Dưới huyệt này vẫn là quan tài kẽm", vị quản trang cho biết.
Hoang lạnh như mồ Cu Nên
Đến nay, giang hồ Hải Phòng vẫn nhắc đến Cu Nên (Phạm Đình Nên), một trong những gã giang hồ khiến người dân đất Cảng sợ hãi. Hồ sơ của Công an Hải Phòng cho thấy, từ năm 1970 đến năm 1989, Nên có 11 tiền sự về hành vi trộm, cướp giật, cố ý gây thương tích, 2 lần bị đi cải tạo tập trung. Cho đến khi bị bắt vào ngày 15/3/1995, sau đó bị tuyên án tử hình, Nên có khoảng 22 tiền án, tiền sự. Trong giang hồ, nhiều kẻ hận Cu Nên đến thấu xương.
Ngay khi Cu Nên bị thi hành tử hình (ngày 7/4/1997) tại trường bắn Xuân Sơn (huyện An Lão), người nhà đã tổ chức đưa xác Nên đi mai táng, nhằm tránh bị những kẻ vì hận Nên mà trả thù. Đến nay mộ Phạm Đình Nên cũng nằm trong một góc nhỏ heo hút ở nghĩa trang Phương Lưu (phường Đông Hải, quận Hải An). Nấm mồ đó nhỏ đến mức không ai nghĩ đó là ngôi mộ của một trong những kẻ một thời gieo rắc nỗi kinh hoàng ở đất Cảng.
Theo báo Đời sống & Pháp luật