Theo tin tức trên Người lao động, Tổ quốc, chiều 17/7, ông Nguyễn Hữu Tiến - Tổng Giám đốc công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội cho biết, các xe chở rác đã có thể di chuyển vào Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn sau 4 ngày bị người dân chốt chặn.
Hiện tại, hoạt động vận chuyển rác thải trong 4 quận nội đô cơ bản được xử lý. Các công nhân vệ sinh môi trường đang nỗ lực giải quyết rác tồn đọng trong nhiều ngày qua.
Người dân tập trung chặn xe rác vào bãi rác Nam Sơn. Ảnh: LĐ
Ông Nguyễn Văn Mạc (xã Nam Sơn) nói rằng, người dân đã dỡ lều bạt, trở về nhà vào 13h40 trưa nay. Họ mong muốn được giải quyết dứt điểm Chính sách di dời trong chỉ giới 0m - 500m tính từ phạm vi tường rào của Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, thời điểm và mức đền bù.
Được biết, sáng cùng ngày, lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội đã trực tiếp đối thoại với người dân 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ.
Phố Ngọc Hà xuất hiện tình trạng rác thải sinh hoạt bị ùn ứ, nhiều điểm tràn xuống vỉa hè, lòng đường, bốc mùi khó chịu. Ảnh: TTXVN
Sáng cùng ngày, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm sau kỳ họp thứ 15 của HĐND TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đã giải đáp thắc mắc của cử tri về tình trạng lần thứ 6 người dân tại các xã của Sóc Sơn căng lều bạt, ngăn xe rác vào bãi rác Nam Sơn.
Theo tính toán, tới hôm 16/7 vừa rồi trên địa bàn Hà Nội đã bị ùn ứ lại khoảng 9000 tấn rác thải. Rác tồn ở địa bàn 12 quận là 6.600 tấn. Ảnh: NLĐ
Theo Chủ tịch Hà Nội, tại đây, vẫn còn 3 vướng mắc đối với người dân. Cụ thể, thứ nhất liên quan đến giá, đất, nhà tái định cư (hiện đã được bố trí xong). Thứ hai, kinh phí cũng đã được thành phố bố trí đủ.
Còn một nguyên nhân khác là do bãi rác thải cũ từ 1997 đến nay thực hiện theo công nghệ chôn lấp cũ và cứ 1m3 rác sẽ phát sinh 1,2 m3 nước rỉ rác.
Cơ quan môi trường phải dùng đến phương án phân luồng "giải cứu" rác thải tại 4 quận nội thành bằng cách đưa thẳng về khu xử lý chât thải ở Cầu Diễn và khu xử lý chất thải rắn ở Xuân Sơn. Ảnh: KTMT
Tại khu vực bãi rác Nam Sơn đã có 3 hồ chứa nước rỉ rác và thành phố có kêu gọi một số nhà đầu tư nhà máy xử lý này.
"Từ năm 2019 trở về trước, TP đều lên kế hoạch đặt hàng nhưng theo Nghị định 32 của Chính phủ việc này phải đưa đấu thầu.
Hiện nay, chúng tôi đã có đề nghị với Chính phủ sửa việc này cho thực tiễn hơn. Trong quá trình đó, lượng nước rỉ rác này còn 150.000 m3 có dâng cao lên và cộng với thời tiết nắng nóng, bốc mùi hôi thối dẫn đến việc người dân kéo ra ngăn chặn xe rác", ông Chung thông tin.
Về giải pháp lâu dài, Chủ tịch Hà Nội nêu rõ đây là vấn đề đã được đặt ra trong cả nhiệm kỳ qua. TP cũng đã kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư các nhà máy xử lý rác.
Năm 2017, TP đã khánh thành nhà máy lý rác thải độc hại ở khu Nam Sơn (Sóc Sơn) theo công nghệ đốt và phát điện với công suất 75 tấn/ngày.