Giáo sư Ngô Bảo Châu từng phải thốt lên: “Chắc chỉ có mỗi cách là mò cua, may ra thì bắt được ốc!" khi "gặp" bài toán khó nhằn này 2 năm trước.
Liên quan đến bào toán lớp 3 ở Lâm Đồng gây náo loạn dư luận trong và ngoài nước, theo tìm hiểu của báo Thanh Niên, bài toán này đã từng “làm khổ” phụ huynh học sinh Hà Nội cách đây hai năm. Lúc đó có phụ huynh đưa lên mạng nhờ giải, nhưng độ khó của nó khiến cả giáo sư Ngô Bảo Châu cũng phải thốt lên: “Chắc chỉ có mỗi cách là mò cua, may ra thì bắt được ốc!".
Giáo sư Ngô Bảo Châu từng "xin khất" khi "gặp" bài toán lớp 3 gây náo loạn dư luận vào 2 năm trước |
Cụ thể, ngày 17/5/2013, sau khi trang mạng Học thế nào tại địa chỉ http://hocthenao.vn (giáo sư Ngô Bảo Châu là người sáng lập), đăng lại loạt bài “Giảm nhưng vẫn quá tải” của báo Thanh Niên, anh P.T, một phụ huynh Trường tiểu học Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng vào phần bình luận để nhờ giáo sư Châu giải bài toán.
Theo anh P.T, đây là một bài toán do cô giáo chủ nhiệm phát cho các cháu ở lớp con anh và gợi ý các cháu nên làm. Tuy nhiên, hai ngày sau, chính cô giáo chủ nhiệm cũng thú nhận rằng cô… không làm được. Anh P.T đã mang bài đó đi hỏi một số cô giáo ở các trường tiểu học khác nhưng các cô cũng "lắc đầu".
Lúc đó, bằng nickname Thichhoctoan, giáo sư Ngô Bảo Châu cho biết ông không hiểu đề bài, và dẫu có hiểu cũng không làm được ngay. Sau khi có một bạn đọc khác ở Việt Nam diễn giải đề toán, giáo sư Châu bình luận: “Chắc chỉ có mỗi cách là mò cua, may ra thì bắt được ốc!”.
Như tin tức đã đưa, theo tìm hiểu báo Tuổi trẻ, giáo viên ra đề toán này choc học sinh là bà Nguyễn Thị Kim Quyên, giáo viên lớp 3A3, đồng thời là khối trưởng khối lớp 3 Trường tiểu học Thăng Long. Bài toán được bà Quyên chép ra từ cuốn cuốn "Phiếu bài tập cuối tuần toán và tiếng Việt lớp 3 của Nhà xuất bản ĐH Sư Phạm" và ra cho một nhóm học sinh nhưng không có tính bắt buộc.
Bài toán lớp 3 "làm khó cả tiến sĩ" đã được gỡ bỏ khỏi tài liệu gốc |
Trao đổi với báo chí ngày 25/5, sau khi có thông tin về nguồn gốc bài toán này, ông Nguyễn Bá Cường, Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Sư phạm xác nhận thông tin trên. Tuy nhiên, trong lần cuốn sách được tái bản vào tháng 2 vừa qua, bài toán trên đã được thay thế bằng bài toán khác.
“Trong lần tái bản này, các biên tập viên đã trao đổi với các tác giả và thống nhất nếu bài toán này tồn tại sẽ xảy ra tình trạng đáp án có nhiều nghiệm khác nhau, cách giải khác nhau. Người tích cực có thể suy nghĩ bài toán giúp học sinh tư duy tốt. Nhưng sẽ có ý kiến cho rằng bài toán quá khó, không phù hợp với học sinh. Phương án cuối cùng là bài toán này đã được thay bằng một bài toán khác cho phù hợp hơn”, Giám đốc Cường cho biết khi trao đổi với PV Vietnamnet.
Ông Cường cho biết cuốn “Phiếu bài tập cuối tuần Toán và tiếng Việt lớp 3” được NXB Đại học Sư phạm in lần đầu tiên vào năm 2012. Đây là tài liệu mang tính chất tham khảo, củng cố kiến thức trong chương trình phổ thông của học sinh lớp 3 đồng thời có phần giúp nâng cao năng lực làm toán, kích thích óc sáng tạo của các em.
“Về nội dung bài toán không sai. Trên báo Anh cũng đưa tin đây là bài toán khó giúp rèn kỹ năng, tư duy toán học cho học sinh. Bài báo cũng đưa ra thông tin về việc năng lực vượt trội của học sinh Việt Nam ở các môn khoa học, tự nhiên so với nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Như vậy bài toán cũng có tính tích cực trong giáo dục nói chung, toán học nói riêng”, ông Cường lý giải trước nhiều ý kiến cho rằng, bài toán không phù hợp với chuẩn kiến thức, kĩ năng của học sinh lớp 3.
Bài toán lớp 3 "hóc búa" trên được đăng tải trên báo Vnxpress ngày 18/5 do một phụ huynh ở Bảo Lộc, Lâm Đồng chia sẻ. Ngay sau đó, bài toán nhanh chóng “gây bão” dư luận trong nước với nhiều ý kiến đánh giá “siêu khó”, một số tiến sĩ cũng phải “xin khất”. Không chỉ thế, ngày 20/5, bài toán này còn xuất hiện trên một số trang báo quốc tế, gây xôn xao với hàng nghìn bình luận.
Bài toán hóc búa này cũng được Tiến sĩ Giáp Văn Dương mời các nhà toán học là giáo sư Ngô Bảo Châu, Vũ Hà Văn, Phùng Hồ Hải và Nguyễn Tiến Dũng giải xem mất bao nhiêu thời gian trên trang Facebook cá nhân ngày 20/5.
Sau khi nhận được lời mời, giáo sư Nguyễn Tiến Dũng (giảng dạy tại Đại học Toulouse, Pháp) cho biết, làm xong bài trong 18 phút. Giáo sư Tiến Dũng nhận định: “Bài này dùng để dạy số học thì dở, dạy về thuật toán không đến nỗi nào”.
H.Minh (tổng hợp)