Từng tham gia tổ chức hội thảo du học chuyền đuốc Vietabroader ba mùa liên tiếp, cô gái Lâm Trần Nhật Uyển tạo ấn tượng tốt bởi sự chuyên nghiệp, chín chắn và khéo léo trong vai trò phụ trách truyền thông. Khi đó, không ai ngờ rằng chị ấy vẫn đang còn là học sinh của trường Quốc tế Nam Sài Gòn.
Mực Tím Online vừa kết nối với Nhật Uyển và biết rằng chị ấy trở thành tân du học sinh từ tháng 9/2013 sau khi nhận được học bổng du học của trường đại học North Central College (Illinois, Mỹ). Nói về việc thích nghi với môi trường sinh hoạt và học tập ở Mỹ, Uyển cho biết hầu như chị ấy không gặp bất cứ khó khăn nào về việc hòa nhập cả. “Uyển học hành tốt, bạn bè cả người Mỹ lẫn đến từ các nước khác đều có.”
Nhật Uyển còn tiết lộ với Mực Tím Online một tin thú vị: sắp tới chị ấy sẽ đại diện trường thử sức ở giải Hùng biện (Forensics team) Quốc gia nước Mỹ.
Nhật Uyển cùng bạn bè quốc tế
Hãy xem trải nghiệm của Nhật Uyển trong việc hiện thực hóa ước mơ du học cũng như những bước chuẩn bị để thích nghi tốt với môi trường du học như thế nào nhé!
Mơ du học từ bé
Uyển bắt đầu có mong muốn du học từ thời tiểu học (lớp 3-4), một phần do ba mẹ định hướng, một phần do Uyển có hứng thú với môn tiếng Anh. Đến khi đi giao lưu văn hóa một năm ở Mỹ sau khi học xong lớp 9 thì Uyển mới biết chắc là mình muốn đi Mỹ để học đại học. Vì vậy, Nhật Uyển đã lên chiến dịch để hiện thực hóa ước mơ du học từ đó.
Tiếng Anh là số 1
Đối với Uyển, điều quan trọng nhất khi đi du học là phải rèn được ngôn ngữ nơi mình đến học cho tốt nhất có thể. Học ngôn ngữ giúp mình học được cả văn hóa của nước đó, nên nếu ngôn ngữ tốt thì mình an tâm được một nửa rồi. Nó cũng giúp mình thể hiện bản thân tốt hơn – điều này rất cần thiết để xin học bổng.
Uyển tập trung hết sức vào việc rèn luyện tiếng Anh, đặc biệt là khả năng nói và viết. Uyển xin mẹ cho vào trường quốc tế từ cấp 2, bắt đầu học các môn học bằng tiếng Anh để làm quen dần. Cùng thời gian này Uyển tập đọc sách: thơ văn, tiểu thuyết… bằng tiếng Anh, tập sử dụng từ điển Anh - Anh thay vì Anh - Việt. Tới cấp 3 thì Uyển xin được học bổng giao lưu một năm ở Mỹ, ở nhà người bản xứ. Thời gian này Uyển phải giao tiếp bằng tiếng Anh 24/7, và chỉ được gọi điện về nhà nói chuyện với gia đình 2 tiếng/tháng, và email 2 tiếng/ tháng, Uyển đã tập được khả năng suy nghĩ bằng tiếng Anh khi nói tiếng Anh – thay vì suy nghĩ bằng tiếng Việt rồi dịch ra tiếng Anh trong đầu. Nhờ vậy Uyển có thể nói nhanh hơn, và bắt kịp được các cuộc nói chuyện của bạn bè bản xứ. Một điều thú vị là bây giờ Uyển có thể phân biệt được ngữ điệu (accent) của hơn 10 vùng khác nhau của Mỹ! “Nhưng Uyển nhái được chắc chỉ 2-3 ngữ điệu là cùng”, Uyển cho biết.
Thử thách chính mình để độc lập trong suy nghĩ và hành động
Để thử thách trải nghiệm sống độc lập, Uyển từng một mình xách ba lô du lịch bụi đến Nhật Bản trong năm gap year 2013.
Uyển cho biết: “Điều quan trọng không kém để chuẩn bị cho du học với Uyển là sự độc lập. Cần biết cách chủ động sắp xếp cuộc sống độc lập không có gia đình ở nước ngoài, và cũng phải can đảm kết bạn ở đây nữa.”
Theo đó, hoạt động ngoại khóa khi còn ở Việt Nam giúp Uyển rèn khả năng sắp xếp, tổ chức có khoa học, tính độc lập trong suy nghĩ và thực hiện, kỉ luật, cũng như khả năng giao tiếp và lãnh đạo. Do nhiều chương trình Uyển làm yêu cầu tính chính xác và cần được thực hiện cho kịp deadlines. “Vào đại học rồi thì Uyển thấy các khả năng này hữu ích vô cùng. Nó giúp Uyển sắp xếp thời gian hiệu quả để vừa đi làm, vừa đi học, vừa vui chơi cùng bạn bè mà vẫn có đủ thời gian để nghỉ ngơi ăn ngủ đủ.”
Uyển không thực sự hoạt động ngoại khóa cho đến khi Uyển vào học lớp 11 ở trường Quốc tế Nam Sài Gòn. Uyển viết cho tờ báo học sinh của trường, tổ chức một số chương trình gây quỹ Từ thiện như bán kẹo gây quỹ cho động đất ở Nhật Bản, tổ chức hòa nhạc để gây quỹ cho trẻ nghèo hiếu học Việt Nam. Năm lớp 12 Uyển ứng cử và được chọn làm Senior Class President (Chủ tịch hội học sinh lớp 12).
Ngoài ra Uyển tham gia tổ chức 3 mùa hội thảo VietAbroader năm 2011, 2012 và 2013 cho đến khi Uyển nhập học đại học hồi tháng 9 vừa rồi. Uyển thường tham khảo thông tin trên VietAbroader khi đi giao lưu văn hóa nên đã hứng thú với chương trình rồi mong muốn một ngày được nộp đơn làm tình nguyện viên để được làm chung với các anh chị. “Cũng không ngờ là cuối cùng Uyển làm lâu đến vậy. Mấy bạn khác thì thường đi hội thảo về rồi mới nộp đơn làm tình nguyện viên VA, Uyển thì hồi đó chưa có dịp đi hội thảo lần nào trước khi apply nên cũng hơi thiếu sót phần đấy.” Uyển chia sẻ.
Nhật Uyển (từ phải qua) cùng các thành viên VietAbroader
Nhật Uyển thú nhận, những hoạt động khi còn là học sinh không chỉ giúp hồ sơ du học của Uyển tạo được điểm sáng, mà còn rất hữu ích với Uyển khi bước vào cuộc sống du học sinh.