Tin mới

Bàn thờ lập vội cho 12 người chết trên chuyến xe định mệnh

Thứ tư, 04/06/2014, 14:20 (GMT+7)

Đang ăn dở bát cơm, ông Binh lịm người khi nghe tin vợ báo về con trai đã ra đi sau tai nạn ở Thái Lan. Nỗi đau đến với ông quá bất ngờ.Dưới cái nắng gay gắt của chiều mùa hè, thôn 3 xã Nam Lĩnh, huyện Nam Đàn (Nghệ An) chìm trong không khí tang thương.

Đang ăn dở bát cơm, ông Binh lịm người khi nghe tin vợ báo về con trai đã ra đi sau tai nạn ở Thái Lan. Nỗi đau đến với ông quá bất ngờ.

Dưới cái nắng gay gắt của chiều mùa hè, thôn 3 xã Nam Lĩnh, huyện Nam Đàn (Nghệ An) chìm trong không khí tang thương.

Ngôi nhà gia đình bà Nguyễn Thị Kim (50 tuổi) nằm ở cuối đường làng hai hôm nay luôn đông người ra vào. Họ là những người hàng xóm, láng giềng, hay tin con bà Kim là Đinh Hữu Trung (25 tuổi) tử vong sau vụ tai nạn ở Thái Lan nên đến động viên chia sẻ. Khi chúng tôi vào, bà Kim ngồi thất thần dưới nền nhà, khóc nức nở gọi tên con.

Bà Nguyễn Thị Hợp, nhà cạnh bên cho biết, từ hôm nhận tin dữ của con, bà Kim không chịu ăn uống gì cả, suốt ngày gào khóc gọi tên con trong nước mắt. “Tội nghiệp lắm, hoàn cảnh gia đình khó khăn, cách đây ít hôm được con bò là gia sản lớn nhất trong nhà cũng bị ngã xuống ao, què chân nên bán không được bao nhiêu. Đang đau xót vì mất của thì nay lại hay tin con chết, đúng là không có nỗi đau nào hơn thế”, bà Hợp tâm sự.

Bàn thờ lập vội cho 12 người chết trên chuyến xe định mệnh

Bà Kim ngồi thẫn thờ chờ ngóng thi thể của con về.

Bà Kim và ông Đinh Hữu Trung cưới nhau năm 1986, sinh được 5 người con, trong đó Trung là con cả. Bố mất sớm, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên hết lớp 9, Trung đã phải nghỉ học để đi làm thuê kiếm tiền, phụ giúp mẹ nuôi các em khôn lớn.

Suốt từ đó, với dáng người nhỏ thó, Trung chăm chỉ theo người chú họ vào Vinh làm thuê kiếm tiền. Năm 2007, Trung quyết định xuất ngoại sang Thái Lan làm ăn với mong muốn kiếm được nhiều tiền hơn. Rồi sau đó hai đứa em là Đinh Hữu Kiên (21 tuổi), Đinh Hữu Thường (18 tuổi) cũng lần lượt theo anh sang Thái kiếm kế sinh nhai.

Nói về giây phút nhận hung tin của con, bà Kim ứa nước mắt: “Tôi đang chuẩn bị ra ruộng thì nhận được điện thoại của bác Đông (bác ruột của Trung) ở TP Vinh điện về nói Trung gặp tai nạn và đã tử vong. Tôi chết lặng người, chiếc điện thoại từ trên tay rơi xuống nền đất rồi tôi ngất đi không biết gì nữa. Đến lúc tỉnh dậy thì đã thấy bà con vây quanh. Cháu Trung là đứa ngoan ngoãn, hiếu thảo với mẹ lắm, vậy mà...”.

Bàn thờ lập vội cho 12 người chết trên chuyến xe định mệnh

Chiếc bàn thờ lập vội cho Trung đặt giữa nhà để mọi người đến thắp hương cho nạn nhân xấu số.

Nói xong, bà Kim lại nằm vật vã gọi tên con trong vô vọng. Nuôi con khôn lớn, nay chuẩn bị được nhờ con thì tai họa bất ngờ ập đến. Bà thều thào: “Nó chết đã đành chứ giờ cũng không biết làm sao để đưa xác về đây. Cả nhà chỉ trông vào mấy sào ruộng khoán, có bán đi cũng không đủ tiền. Thằng Kiên mới điện về bảo giờ còn phải chờ người ta xét nghiệm ADN mới xác định được danh tính”.

Bà vừa dứt lời, những người hàng xóm cũng không cầm nổi nước mắt. Nhưng mọi người cũng chỉ biết chia sẻ, động viên chứ họ cũng nghèo, không ai có khả năng giúp gia đình bà Kim được.

Cũng là người có con gặp nạn trong vụ tai nạn ở Thái Lan ngày 2/6, ông Hoàng Binh, 52 tuổi, ở xóm Bình Yên, xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) cùng gia đình đang sống trong những ngày đau buồn, ảm đạm nhất.

Đứa con thứ 3 là Hoàng Văn Thiên (21 tuổi) một năm nay ông chưa được nhìn thấy mặt giờ đã ra đi mãi mãi. Tiếp chúng tôi với tâm trạng phờ phạc, ông Binh không giấu nổi cảm xúc, những giọt nước mắt lăn dài trên gò má đen sạm của người nông dân chân chất này.

Bàn thờ lập vội cho 12 người chết trên chuyến xe định mệnh

Ông Binh khóc đỏ mắt từ khi hay tin con gặp nạn.

Ông kể trong nước mắt: “Nhà nghèo, cách đây ít năm tôi đã phải đứt ruột để vợ đi Thái Lan làm ăn kiếm tiền nuôi gia đình. Một mình tôi ở nhà nuôi con. Thằng Thiên sau khi học xong lớp 12, vì gia đình khó khăn nên ở nhà phụ giúp bố. Cách đây một năm, nó theo mẹ sang Thái Lan làm bảo vệ khách sạn. Nào ngờ...”. Ông Bình không nói hết được câu thì cúi xuống khóc nức nở.

Theo lời những người trong gia đình, Thiên đang dự định đợt này về học nghề, nào ngờ chưa thực hiện được ước mơ thì em đã phải ra đi. Hôm 3/6, bà Lam (61 tuổi, mẹ của Thiên) điện về thông báo là đã đến nơi con gặp nạn nhưng chưa nhận dạng được và còn phải chờ xét nghiệm.

“Trong điện thoại, bà ấy gào khóc khiến tôi thấy đau lòng lắm. Thương con phải sớm lăn lộn kiếm tiền giúp gia đình, nay con đi mà tôi không biết làm gì”, ông Binh ngậm ngùi tự dằn vặt mình.

Bàn thờ lập vội cho 12 người chết trên chuyến xe định mệnh

Ông Bình bên bàn thờ lập vội của con gái.

Cách nhà ông Binh không xa là nhà ông Trần Văn Bình (50 tuổi, ở xóm Trại Lê, xã Quang Lộc, huyện Can Lộc). Trong vụ tai nạn này ông Bình mất đi đứa con gái năm nay đã 21 tuổi. Ông nhận được tin từ người thân bên Thái Lan gọi về.

Cũng như những gia đình khác, Yên là con đầu trong gia đình có 4 chị em. Học xong lớp 9, do bố mẹ đều ốm đau, các em đang ở độ tuổi ăn học nên em chịu thiệt thòi, nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình. Chưa đủ tuổi lao động nhưng Yên đã phải làm nhiều việc nặng nhọc, vào Sài Gòn làm công nhân gửi tiền về nuôi các em ăn học. Cuối năm 2013 vừa qua, thông qua bạn bè, Yên chia tay gia đình, bạn bè sang Thái Lan làm ăn. Từ đó đến nay em chưa một lần về nhà.

Lo sợ con nơi đất khách quê người phải vất vả chịu đựng một mình, đầu năm 2014, bà Trần Thị Hoan (42 tuổi) dù đang bị bệnh tim nhưng vẫn cố gắng đi sang Thái cùng đứa con gái thứ hai là Trần Thị Hồng tìm việc cùng Yên.

Bàn thờ lập vội cho 12 người chết trên chuyến xe định mệnh

Những người hàng xóm của nhà ông Bình chia sẻ hoàn cảnh của gia đình ông cho PV nghe.

Làm giúp việc, mỗi tháng Yên cũng tích cóp được vài triệu đồng gửi về cho gia đình. Tuy nhiên vài tháng nay, công việc của 3 mẹ con phập phù vì tình hình chính trị xã hội ở Thái Lan bất ổn. Ba mẹ con bà Hoan đang tính đường trở về quê hương thì bất ngờ Yên mất trong chuyến xe định mệnh.

"Hồng gọi điện về cho biết đã trực tiếp tới hiện trường vụ tai nạn, rồi đến bệnh viện để nhận dạng chị gái. Chưa biết khi nào mới hoàn tất thủ tục đưa thi thể của Yên về tới quê", ông Bình gạt nước mắt. Bà Hoan đang bị bệnh nên đang được người thân đưa về quê trước.

"Tôi đang mang bệnh, đi lại khó khăn, chỉ mong cơ quan chức năng giúp sớm đưa được thi thể con gái về quê để mai táng", người cha mới hơn 40 tuổi khóc nghẹn.           

Cùng chung tâm trạng mất người thân còn có hơn 10 gia đình khác ở Nghệ An, Hà Tĩnh.  Những gia đình này đang từng ngày ngóng tin thi thể của người thân nơi đất khách quê người để sớm được trở về với đất mẹ. 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news