Vẫn còn vi phạm hành lang lưới điện
Theo Trưởng phòng An toàn, Công ty Lưới điện cao thế thành phố Hà Nội (Tổng công ty Điện lực Hà Nội - EVNHANOI) Đào Duy Trọng, tình trạng vi phạm an toàn hành lang lưới điện vẫn tồn tại và là nguy cơ lớn nhất gây mất an toàn cấp điện trong mùa mưa bão. Điển hình là vi phạm hành lang lưới điện 110kV của Công ty cổ phần HTG, tại khu vực cuối đường Nguyễn Xiển - Xa La (trên địa bàn xã Tân Triều, huyện Thanh Trì). Vi phạm này phát sinh từ năm 2017, các đơn vị ngành Điện đã lập hàng chục biên bản vi phạm, chuyển chính quyền địa phương xử lý theo thẩm quyền, nhưng đến nay mọi việc vẫn “giậm chân tại chỗ”.
“Ngày 25-5-2021, Phòng Kinh tế huyện Thanh Trì phối hợp với các đơn vị liên quan, Công ty Lưới điện cao thế thành phố Hà Nội, UBND xã Tân Triều kiểm tra thực tế và tiếp tục ghi nhận, trên khu đất này, nhiều nhà kho, ki ốt kinh doanh vẫn được cải tạo, cơi nới, hình thành ngay dưới hành lang lưới điện”, ông Đào Duy Trọng cho biết.
Thống kê của Công ty Lưới điện cao thế thành phố Hà Nội cho thấy, hiện nay, trên địa bàn Hà Nội còn tồn tại 12 điểm vi phạm hành lang đường dây cao thế (giảm 25% so với năm 2020) nằm ở nhiều địa phương, gây ảnh hưởng đến an toàn lưới điện, nhất là trong mùa mưa bão. Đơn cử như vi phạm tập kết khung sắt trong hành lang lưới điện 220kV của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Đức, ngõ 38/3 đường Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì); công trình trong hành lang lưới điện cao áp của hộ gia đình ông Đăng Văn Công, phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân)…
Ngoài ra, trong mùa mưa bão, nguy cơ gãy đổ cây cối, ngập úng có thể gây chập cháy lưới điện, nhất là ở khu vực ngoại thành, dẫn tới sự cố làm mất điện diện rộng, mặc dù những năm gần đây hệ thống đường dây, trạm biến áp đã được ngành Điện Thủ đô đầu tư nâng cấp, làm mới. Trong khi đó, tình trạng kinh doanh, buôn bán xung quanh hệ thống cột, tủ, trạm biến áp điện còn khá phổ biến, ảnh hưởng đến việc cấp điện an toàn.
Cần sự chung sức của cộng đồng
Trưởng phòng An toàn, Công ty Lưới điện cao thế thành phố Hà Nội Đào Duy Trọng cho biết, chỉ tính riêng hệ thống điện cao thế, trên địa bàn thành phố có gần 1.000km đường dây, 51 trạm biến áp 110kV, 220kV, nên việc chủ động bảo đảm an toàn trước mùa mưa bão là nhiệm vụ quan trọng, không chỉ ngăn ngừa tai nạn mà còn bảo đảm cấp điện ổn định phục vụ các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn.
“Đơn vị đã thành lập Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đồng thời xây dựng những tình huống sự cố giả định, thông tin tới 148 phường, xã, 32 công trường đang thi công và 48 tòa nhà, chung cư cao tầng… để phối hợp. Chúng tôi cũng rà soát lưới điện và cùng với Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội cắt tỉa những cây xanh ảnh hưởng đến hành lang lưới điện”, ông Đào Duy Trọng thông tin.
Còn theo Phó Tổng Giám đốc, Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn EVNHANOI Nguyễn Anh Dũng, EVNHANOI đã kiện toàn các đội xung kích tại cơ sở, thành lập cụm phối hợp phòng, chống thiên tai giữa các đơn vị điện lực phụ trách địa bàn. Việc tổng kiểm tra, rà soát, thống kê các điểm xung yếu, duy tu, bảo dưỡng hệ thống lưới điện, diễn tập các phương án khắc phục sự cố điện do mưa bão cũng được triển khai từ đầu năm 2021. Bên cạnh đó, các đơn vị thuộc EVNHANOI tổ chức ứng trực khi dự báo có mưa bão; chuẩn bị sẵn sàng vật tư, thiết bị, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt để kịp thời xử lý mọi tình huống thiên tai xảy ra. Đối với các trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện còn tồn tại, EVNHANOI tiếp tục kiến nghị cơ quan chức năng đôn đốc, xử lý dứt điểm.
Liên quan đến vấn đề an toàn hành lang lưới điện, Phó Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng quận Thanh Xuân Nguyễn Văn Chiến cho hay, đội sẽ phối hợp với ngành Điện xác định cụ thể vị trí, diện tích vi phạm hành lang lưới điện trên địa bàn để cùng chính quyền địa phương giải quyết triệt để.
Đối với các doanh nghiệp, hộ gia đình, ngành Điện tiếp tục khuyến cáo kiểm tra biển quảng cáo, thiết bị điện lắp đặt ngoài trời và ngắt nguồn điện khi mưa lớn; ngắt toàn bộ nguồn điện trong nhà khi xảy ra ngập. Các cầu dao, cầu chì, aptomat, ổ cắm trong gia đình nên đặt ở nơi khô ráo, vị trí cao hơn mặt đất 1,4m để an toàn cho trẻ nhỏ và tránh rò điện khi mưa to gây ngập úng. Nếu ở ngoài đường, người dân không trú mưa dưới chân cột điện; không chạm vào cột điện, dây nối đất; không đi qua khu vực cột điện đổ, dây điện đứt, võng… Trường hợp phát hiện sự cố điện, cần liên hệ ngay với ngành Điện qua hệ thống chăm sóc khách hàng.
“Hiện nay, ngành Điện sẵn sàng, chủ động các phương án ứng phó với thiên tai, mưa bão. Song, sự vào cuộc của chính quyền địa phương và đặc biệt là sự phối hợp từ phía người dân cũng là yêu cầu quan trọng để bảo đảm an toàn lưới điện Thủ đô trong mùa mưa bão", ông Nguyễn Anh Dũng nhấn mạnh.