Ngày càng có nhiều vụ học sinh bị bạn học thậm chí cả cô giáo bạo hành ngay trong lớp học. Đứng trước vấn đề đó, cha mẹ cần làm gì để bảo vệ con em mình là vấn đề khiến nhiều người băn khoăn nhưng chưa tìm được hướng giải quyeetsthoar đáng.
Mới đây, vụ hai nữ sinh cấp 2 ở thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) ẩu đả, túm tóc, vật lộn dưới nền đất, trước sự cổ vũ của nhiều bạn bè chỉ vì cùng thích một chàng trai hay vụ hai nữ sinh Trường THCS P.7 (TP. Cà Mau, Cà Mau) đánh nhau ngay tại cổng trường trong giờ ra chơi kết quả là một nữ sinh bị đánh sưng mắt phải, nữ sinh còn lại bị vết cào cấu trên cổ. Trước những vụ việc trên, cả xã hội lên án gay gắt, rồi người ta tìm cách đổ lỗi cho nhau, nào là do giáo dục không nghiêm, do gia đình không biết dạy con, cô giáo chủ nhiệm phải chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra, do nhiều thứ khác nữa...Điều đó cho thấy, không chỉ nhà trường mà cả bố mẹ cũng "bế tắc" trong việc định hướng cho con, những học sinh bị đánh thì đã vượt quá chuẩn đạo đức của học sinh còn những học sinh bị đánh thì phải ứng xử như thế nào trước trường hợp đó.
Thực tế thì không phải từ hai câu chuyện trên vấn đề dạy con ứng xử với bạo lực mới được đề cập. Mà khi liên tiếp những vụ bạo lực học đường xảy ra trên khắp mọi miền với tần suất dày đặc đã khiến rất nhiều bậc phụ huynh hoang mang.
Không thể phủ nhận nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường là do tác động từ hai phía là nhà trường và phụ huynh, nhất là thời điểm trẻ đang ở độ tuổi hình thành nhân cách. Giáo viên và nhà trường thì chỉ dạy nhưng đạo đức dập khuôn, lý thuyết còn cha mẹ chỉ dạy con cách tự vệ một cách bị động mà không hướng đến việc dạy cho con kĩ năng để có thể chủ động tránh được những bạo hành không đáng có.
Từng nhiều năm nghiên cứu về tâm lí, PGS. TS Huỳnh Văn Sơn - Phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam cho hay: "Việc dạy cọn những biểu hiện nào là biểu hiện của hành vi bạo hành là rất cần thiết. Điều đó một mặt giúp trẻ biết tự bảo vệ chính mình, một mặt giúp trẻ biết nhận ra những dấu hiệu mình sắp bị bạo hành hay đang bị bạo hành để có những hành vi phù hợp. Việc dạy trẻ biết dấu hiệu bạo hành không phải dẫn đến chuyện phản kháng mãnh liệt mà ít nhất là trẻ biết được vấn đề đang xảy ra với mình. Trên cơ sở đó, trẻ sẽ lựa chọn cách phản ứng tích cực nhất." Điều đó có nghĩa là, phụ huynh phải dạy con từ lời ăn tiếng nói, cách sống hòa nhã không gây sự với người khác, không kết bè phái, gặp ẩu đả thì nên tránh xa…để chủ động tránh được bạo hành mà các em có nguy cơ gặp phải.
Bên cạnh việc giáo dục, định hướng cho con hiểu về bạo hành và chủ động nhìn nhận về bạo hành thì việc quan tâm, chia sẻ với con cái để nắm bắt tâm lý của các con là điều mà cha mẹ nên làm. Chia sẻ cho con hiểu được rằng, nếu có sự việc không hay nào đó xảy ra với bản thân thì thái độ cam chịu và giấu giếm không phải là hướng giải quyết tốt mà các em nên "chia sẻ với người thân, tự giải thoát mình trước những cảm xúc - áp lực, nhờ vào sự hỗ trợ thể chất hoặc tinh thần...", PGS Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh.
Khi trẻ đã bị bạo hành, lúc này tâm lí các em đang rất sợ hãi và hoang mang, nhiều em muốn bỏ học vì sợ tiếp tục bị bạo hành, lúc này cha mẹ và người thân chính là chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho con. Thay vì mắng chửi con, cha mẹ hãy "thật sự bình tĩnh để nhìn nhận, trao đổi, chia sẻ, động viên để giải quyết vấn đề một cách tích cực thay vì làm trẻ căng thẳng hơn, tình hình trở nên phức tạp hơn. Cụ thể trẻ cần được trấn an tinh thần và chăm sóc, giải tỏa cảm xúc, cho trẻ nói về những điều không hài lòng và cân bằng giúp trẻ. Sau đó mới là các giải pháp tác độngvề phía nguyên nhân bạo hành", ông Sơn chia sẻ.
Ngoài ra, để trẻ hiểu rõ được tác hại của bạo lực thì cha mẹ phải xây dựng được môi trường có lối sống lành mạnh ngay trong chính cuộc sống thường nhật. Và phụ huynh cũng cần nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật để làm tâm gương cho các con.