Tin mới

Bạo lực học đường: Lãnh đạo sở Giáo dục Hà Nội nói gì?

Thứ ba, 31/03/2015, 15:20 (GMT+7)

"Trong gần 1,6 triệu học sinh, bảo chúng trong suốt như pha lê thì không thể có. Trường học không thể là ốc đảo vô trùng miễn nhiễm các thói hư tật xấu bên ngoài" - Phó GĐ Sở GD&ĐT Hà Nội chia sẻ.

"Trong gần 1,6 triệu học sinh, bảo chúng trong suốt như Pha lê thì không thể có. Trường học không thể là ốc đảo vô trùng miễn nhiễm các thói hư tật xấu bên ngoài" - Phó GĐ Sở GD&ĐT Hà Nội chia sẻ.


 

-Thưa ông Nguyễn Hiệp Thống - PGĐ Sở GD&ĐT Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề giáo dục nhân cách trong nhà trường không được chú trọng, đề cao là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng bạo lực học đường? 

-Giáo dục thủ đô luôn chú trọng giáo dục truyền tải kiến thức. Đồng thời chú trọng tới việc giáo dục nhân cách, phẩm chất cho các em với nhiều hành động cụ thể. 

Chúng tôi hướng dẫn các em làm thơ, ca, chụp ảnh, đóng kịch… vào những ngày đầu tuần, nhằm phê phán những hành động sai trái. Các em rất phấn khởi, hào hứng. 

Trong gần 1,6 triệu học sinh, bảo chúng trong suốt như pha lê thì không thể có. Trường học không thể là ốc đảo vô trùng miễn nhiễm các thói hư tật xấu bên ngoài. Chưa kể các em còn mang ảnh hưởng không tốt từ gia đình, xã hội vào trong trường học. 

-Xét dưới góc độ quản lý, vấn đề bạo lực học đường xảy ra có một phần lỗi do sự quản lý của nhà trường còn lỏng lẻo? Hình thức kỷ luật chưa đủ sức răn đe. Ông nghĩ thế nào về quan điểm trên?

Việc học sinh đánh nhau là không bình thường. Mâu thuẫn của các em do không được người lớn định hướng nên không thể giải quyết và phải giải quyết bằng vũ lực. 

Bạo lực học đường: Lãnh đạo sở Giáo dục Hà Nội nói gì?

PGĐ Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống: "Quan trọng là làm như thế nào để các cháu có thể nhận ra sự sai trái. Việc mạt sát, mắng mỏ hay tách biệt chúng ra khỏi sinh hoạt chung thì dễ dẫn đến tiêu cực cao hơn tích cực".

Kỷ luật như thế nào là việc quan trọng, nhưng quan trọng hơn cả là phải giúp các em nhận thức được hành vi sai trái của mình. Nếu hình thức kỷ luật có nặng nề, các em dù có ngồi tù đi chăng nữa mà không nhận ra khuyết điểm thì việc kỷ luật vẫn không mang lại kết quả. 

Trong thông tư 08 của Bộ GD, trường hợp cực kỳ nặng, không thể nào cải tạo được thì mới đuổi học. Trong đó, kỉ luật nặng thì đuổi học 1 tuần, còn lại cảnh cáo, khiển trách trước toàn trường, lớp… 

Nếu đuổi các em ra ngoài xã hội, từ chối môi trường học tập, môi trường tu dưỡng thì sau 10 năm nữa, các em sẽ trở thành học sinh hung bạo, mầm mống tội ác cho xã hội. Nhà trường không tiếp nhận, bị gia đình ngược đãi…. Các em sẽ trở thành con người chán đời, trầm cảm… 

Quan trọng là làm như thế nào để các cháu có thể nhận ra sự sai trái. Việc mạt sát, mắng mỏ hay tách biệt chúng ra khỏi sinh hoạt chung thì dễ dẫn đến tiêu cực cao hơn tích cực. 

Khi trẻ em lệch lạc về suy nghĩ thì mọi người phải giúp, bạn bè phải giúp, xã hội phải giúp…. Có thể tách riêng nhóm chuyên biệt ấy ra để bảo ban, giáo dục. 

-Ông đánh giá như thế nào về vai trò tự thân của các em học sinh trong việc giúp mình đối phó với tình trạng bạo lực học đường hiện nay? 

-Các em thiếu kĩ năng biết phản biện, phê phán những cái sai. Đặc biệt kĩ năng ứng xử khi bị bắt nạt, bị hành xử thô bạo trong tập thể. 

Vụ việc ở Trà Vinh xảy ra hơn 2 tháng trời mà nhà trường không biết, gia đình không biết, bố hỏi con thì con bảo ngã cầu thang, gia đình cũng không tìm hiểu. Chỉ đến khi tung clip lên mạng mọi người mới vỡ lẽ. 

Việc học sinh không dám kể hay tố cáo với ai rất nguy hiểm, nó dễ chất chứa uất ức trong lòng, dẫn đến hành động bộc phát, đáng tiếc. 

-Theo ông, giải pháp nào có thể giúp cải thiện tình trạng bạo lực học đường hiện nay? 

-Bộ mới ban hành thông tư 04 về giáo dục kĩ năng sống, tôi thấy rằng 1 là tài liệu giáo dục đạo đức rất tốt. Tuy nhiên, việc giáo dục này phải bằng những câu chuyện gần gũi, thiết thực với cuộc sống. 

Về tài liệu giáo dục kĩ năng sống, ngoài những kiến thức xử lý những vấn đề xung quanh cuộc sống thì cần phải có những kiến thức giúp các em học sinh ứng xử khi bị bắt nạt, lên ô tô bị sàm sỡ, ra đường bị kẻ xấu cướp giật… 

Ngoài ra, tài liệu kĩ năng sống phải bổ sung những kiến thức như sống trong thế giới ảo như thế nào? Nói chung, cuộc sống không ngừng biến động nên bộ tài liệu này phải không ngừng bổ sung. 

Ngành giáo dục thủ đô đã thí điểm phòng tư vấn tâm lý ở 10 trường THPT, 10 trường THCS mang lại kết quả khá khả quan. Nó là một phòng chức năng trong trường học, chăm lo sức khỏe tinh thần cho các em. 

Ở đó, các em vào nhỏ to tâm sự với cán bộ tư vấn tâm lý, thậm chí là các vấn đề tế nhị tuổi mới lớn… 

Trong trường học rất cần hòm thư góp ý kiến, phản ánh các vấn đề đang diễn ra. Hiệu trưởng mở ra sẽ biết được có những vấn đề gì đang diễn ra trong ngôi trường của mình. 

Dưới mái trường XHCN, trách nhiệm của người lớn là phải thường xuyên, liên tục quan tâm tới trẻ. Chúng ta không được buông lơi, hài lòng với những gì đã làm được mà phải làm đều đặn, dặn con như việc đánh răng buổi sáng. 

Đó là những kĩ năng đảm bảo an toàn cho chính chúng. Phụ huynh cần dạy con trở thành công dân văn minh, biết tôn trọng pháp luật. 

Cảm ơn ông về cuộc nói chuyện! 

Mộc Miên

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news