Tin mới

Bắt cóc con trai đại gia Trầm Bê: Bí mật 10 triệu USD

Thứ sáu, 16/05/2014, 11:29 (GMT+7)

Năm 2005, dư luận TP.Hồ Chí Minh chấn động với vụ bắt cóc thiếu gia Trầm Trọng Ngân - con trai trưởng của đại gia Trầm Bê. Số tiền chuộc bị yêu cầu lên tới 10 triệu đôla, được đánh giá là vụ bắt cóc lớn nhất từ trước đến nay. Với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng công an, chỉ sau 34 giờ, kẻ bắt cóc đã phải tra tay vào còng.Kẻ thủ ác có khuôn mặt "cừu non"

Năm 2005, dư luận TP.Hồ Chí Minh chấn động với vụ bắt cóc thiếu gia Trầm Trọng Ngân - con trai trưởng của đại gia Trầm Bê. Số tiền chuộc bị yêu cầu lên tới 10 triệu đôla, được đánh giá là vụ bắt cóc lớn nhất từ trước đến nay. Với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng công an, chỉ sau 34 giờ, kẻ bắt cóc đã phải tra tay vào còng.Kẻ thủ ác có khuôn mặt "cừu non"

 

Chủ mưu trong vụ ra tay tàn độc này là Bình “kiểm” và cũng là cao thủ mà Năm Cam phải nể mặt. Cuối năm 2001, Năm Cam và đồng bọn nối gót vào tù thì Bình “kiểm” lại nổi lên với chức ông trùm bởi sự tàn độc, liều lĩnh.

So với các tay anh chị khác, Bình “kiểm” không vai u, thịt bắp mà nhỏ con, chỉ hơn 1m60, hay nở nụ cười híp cả đôi mắt một mí chứ không lạnh tanh như các “đồng nghiệp”. Bình “kiểm” thích rẽ tóc hai mái vốn thịnh hành thời điểm đó. Khuôn mặt hắn không có gì là hung tợn nên mới có biệt danh là “thỏ” hay “cừu non”.

Nơi Bình “kiểm” đánh dằn mặt hai đàn em của Năm Cam tại trại Huy Khiêm

Đại tá Mai Văn Tấn (nguyên Trưởng phòng CSĐTTP về TTXH) là người trực tiếp hỏi cung Bình “kiểm”, sau khi hắn gây rối tại ga-ra của Việt kiều Nguyễn Văn Rớt

Người rành Bình “kiểm” chính là thiếu tá Nguyễn Thành Mỹ - Phó đội trưởng phụ trách chung của Đội phòng ngừa tội phạm có tổ chức (hiện là thượng tá, Phó trưởng phòng CSĐTTP về TTXH). Nhiều năm tháng đã qua nhưng khi nhắc đến tên giang hồ này, mắt người sĩ quan công an sáng rực. Anh kể tiểu sử Bình “kiểm”: Hắn có tên cúng cơm là Phạm Đức Bình (SN 1970). Quê gốc ở Quảng Ninh nhưng từ nhỏ hắn đã theo gia đình chuyển vào TP.Hồ Chí Minh, HKTT tại 111 Phùng Hưng (P13Q5). Biệt danh Bình “kiểm” có từ thời Bình làm kiểm soát quân sự tại D31, TPHCM. Nó có máu điên nên giang hồ thời đó rất ái ngại. Cuối năm 1994, Bình mở một quán karaoke tại Q1 nhưng thực chất là hoạt động bảo kê cờ bạc. Năm 1995, hắn bị bắt đi cải tạo tại Trại giam Tống Lê Chân (Bình Phước) nhưng chỉ một năm sau thì trốn trại. Ngày 4-4-1996, hắn trốn về TP.Hồ Chí Minh... mở sòng bạc. Hằng đêm, gã giang hồ dắt đám đàn em tới vũ trường Viễn Đông chơi và quen một gái nhảy tên Quỳnh. Trước đó, Quỳnh sống như vợ chồng với Chung Quốc Minh (A Lấn, khi đó 37 tuổi). Quỳnh thường xuyên đánh bạc với Lê Thị Kim Anh (vợ nhỏ Năm Cam) và lúc nào cũng thua sạch. Chị ta phải về nhà chôm tài sản của A Lấn để trả nợ. Biết chuyện, A Lấn đã đoạn tình. Quỳnh đem chuyện này nói với Bình “kiểm”. Bình sai đàn em làm tiền A Lấn hai lần, tổng cộng 15 nghìn đôla. Ngày 12-9-1998, Bình “kiểm” bị bắt về tội tổ chức đánh bạc.

Ra tù, “gác kiếm” chưa được bao lâu thì ngày 22-5-2000, Bình đã xông vào một ga- ra ôtô tại Q1 đánh ông chủ Nguyễn Văn Rớt (Việt kiều mới từ Mỹ về) vì dám... từ chối sự bảo kê của gã. Ông Rớt không ngờ dù có sự chống lưng của Hải “bánh” - đệ tử “anh Năm” - mà Bình “kiểm” còn thách thức. Nếu Năm Cam không ra tay giảng hòa thì hai thằng đầu bò Hải “bánh” và Bình “kiểm” chắc chắn sẽ huyết chiến. Hải “bánh” chính là người sai sát thủ máu lạnh Nguyễn Việt Hưng bắn chết Dung Hà sau này. Hải “bánh” là một tay bảo kê có hạng ở cả Hà Nội và Hải Phòng, đến những tay giang hồ mạnh nhất đất Bắc cũng kiêng nể. Khi “Nam tiến”, Hải “bánh” về dưới trướng ông anh giang hồ bắt đầu sự nghiệp làm mưa làm gió tại đất Sài thành chính từ đường Tôn Đản (Q4).

Đại tá Mai Văn Tấn (nguyên Trưởng phòng CSĐTTP về TTXH) nhớ lại: “Sau việc đánh ông chủ ga-ra Rớt, nhận được tin báo của quần chúng, cảnh sát hình sự đã triệu tập kẻ gây án. Tôi và thiếu tá Nguyễn Thành Mỹ trực tiếp hỏi cung Bình “kiểm”. Hắn rất lì lợm, gian manh và xảo quyệt”. Bên ngoài côn đồ là vậy nhưng hắn rất ngán ngại khi giáp mặt với các điều tra viên tại phòng hỏi cung. Chính thiếu tá Mỹ khi đó là người lập hồ sơ cho Bình “kiểm” đi Trường giáo dưỡng Huy Khiêm vì hành vi đánh ông Rớt chưa đủ yếu tố cấu thành tội hình sự.

Ngựa hoang không về tới bến cũ

Trong trại Huy Khiêm (huyện Tánh Linh, Bình Thuận), hắn đã bành trướng khi giành ngôi “đế vương” hảo hớn dỏm. Trong trại có hàng chục đối tượng của tám băng nhóm giang hồ cộm cán ở TP.Hồ Chí Minh bị tập trung cải tạo giáo dục như băng Nghĩa “râu” ở Bình Thạnh; băng Tí “khùng” ở Q11... Ngoài ra còn có băng Danh “chùa Miếu” ở Bà Rịa - Vũng Tàu gồm Bình “thổ”, Hoàng Văn Danh, Nguyễn Tiến Việt..., tất cả đều bị Bình “kiểm” thống trị. Hắn tổ chức cho đàn em đánh Tài “ba đô” và Lâm “sát thủ” - đàn em của Năm Cam - suýt chết. Dù dữ dằn hơn nhưng Bình “kiểm” vẫn thua Tài “ba đô” một bậc. Khi biết tên Tài tòm tem với vợ của mình là Ngọc Lan (em ruột Kim Anh), Bình “kiểm” đã gây sự và đánh Tài nhập viện vì... ghen. Sau các vụ ân oán giang hồ, đám đàn em của Bình “kiểm” bị kỷ luật và phải kéo dài thời gian cải tạo, riêng Bình “kiểm” gian manh đứng sau giật dây nên vô can.

  Nơi Bình “kiểm” đánh dằn mặt hai đàn em của Năm Cam tại trại Huy Khiêm

Khuôn mặt thư sinh của gã giang hồ cùng kho vũ khí nóng

Không lâu sau ngày Năm Cam bị bắt, hắn liên lạc cho một đàn em tên Mai Phúc Hậu (tức Hậu “lé”, ngụ P2Q5), kêu tên này mang khẩu Pascal với 98 viên đạn lên trại cho hắn. Đây cũng là “đồ chơi” mà hắn từng kè theo bên ngoài, sẵn sàng huyết chiến với băng nhóm Năm Cam. Sau đó, hắn đem “món” này giao nộp cho Ban giám thị để ra tù trước hạn bốn tháng.

Ra trại cuối tháng 1-2002, hắn lại nhập trại. Vào trại thì Bình “kiểm” trốn trại, bị phát lệnh truy nã. Đêm hôm mưa gió, thiếu tá Mỹ cùng ba đồng đội phát hiện Bình “kiểm” mặc áo mưa đi trong hẻm nên lập tức bám theo. Sợ bị công an bắt nên hắn luồn trong hẻm rất tinh vi, nằm phía sau một tòa nhà cao tầng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q3). Trời mưa tầm tã nhưng hắn vẫn đi về phía ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai - Cách Mạng Tháng Tám. Tổ công tác của các chiến sĩ hình sự đi trên hai xe máy quyết định áp sát và bắt nóng. Phát hiện công an, hắn đạp ngã xe của các chiến sĩ hình sự và bỏ chạy vào bờ rào công viên Tao Đàn. Thiếu tá Mỹ lập tức rút súng bắn liền hai phát chỉ thiên và quát:

- Bình “kiểm” đứng lại.

Thấy khẩu súng đen ngòm chĩa thẳng về phía mình, Bình “kiểm” vội tụt xuống bờ rào, ngoan ngoãn, lí nhí như trẻ nhỏ:

- Dạ... dạ...

Tên giang hồ máu mặt này không lạ gì với thiếu tá Mỹ và các chiến sĩ hình sự. Cái còng số 8 lạnh ngắt lập tức chụp vào cổ tay hắn. Sau lần bị bắt khi ra tù, tháng nào hắn cũng phải tới Phòng Cảnh sát hình sự để trình diện. Hắn nói với thiếu tá Mỹ: “Em không làm gì nữa đâu, nhưng làm là sẽ vụ lớn đó”. Câu nói nửa đùa nửa thật của tay sát thủ làm người sĩ quan công an gợi nhiều suy nghĩ. Một mặt, các anh hình sự lo cảm hóa hắn. Mặt khác, việc quản lý chặt chẽ nhân thân với Bình “kiểm” tại địa phương đã giúp ích cho việc khuất phục “con ngựa hoang” này.

Cho đến năm 2005, khi thực hiện vụ bắt cóc thiếu gia của ông Trầm Bê thì hắn mải miết đi tù. Chỉ bấy nhiêu đó thôi đã chứng minh nhà tù, trại cải tạo chỉ có tác dụng trừng phạt chứ không có mấy tác dụng giáo dục đối với một kẻ lưu manh vốn ăn sâu từ trong máu. Thực chất, hắn chưa có một ngày hoàn lương.

Kho vũ khí nóng

Dưới trướng Bình “kiểm” có rất đông đàn em gốc Hải Phòng, Quảng Ninh, trong đó có Tuấn “kiểm” (tức Phạm Đức Tuấn) cũng từng tham gia kiểm soát quân sự như anh trai.

Để “lấy số” trong giới giang hồ, Bình “kiểm” trang bị rất nhiều hàng nóng. Điều này làm các đối thủ của hắn rất ngán ngại, ngay cả “anh Năm”. Khi còn tại ngũ, trong một lần tham gia phối hợp bắt thuốc lá lậu tại cầu An Hạ (Củ Chi), hắn thu được một khẩu rulô ngắn. Thay vì báo cáo và nộp lại khẩu súng cho đơn vị, hắn đem về nhà cất giấu. Trong cùng thời điểm, hắn còn ăn cắp của đơn vị thêm một khẩu rulô nòng dài. Đi đâu gã cũng giắt theo một trong hai khẩu súng. Trong bộ sưu tập “đồ chơi” của hắn, giang hồ ngán nhất là khẩu shoot-gun, loại súng bắn voi chết. Nghe đâu, hắn mua lại của ông Chinh ở Q10. Năm 1998, hắn lại mò đến nhà ông này tìm mua khẩu tiểu liên hiệu Pascal do Tiệp Khắc sản xuất cùng nửa thau đạn.

Từ ngày có súng trong tay, với bản tính hung hăng, Bình “kiểm” bung ra làm ăn lớn. Trong những ngày tháng hiếm hoi ra tù, Bình từng đối đầu với Năm Cam để tranh giành lãnh địa làm ăn, bảo kê vũ trường. Năm 1998, hắn hùn vốn với nữ quái Kim Anh (vợ sau Năm Cam) mở quán bar Con Két trên đường Lê Lợi (Q1). Hắn từng kéo quân tới “quậy” một vũ trường trên đường Phạm Ngũ Lão của “anh Năm”, từng đụng Bảo “thái tử” (Trương Hiền Bảo, con trai Năm Cam - P.V) khi vào quán bar chơi bời, hống hách. Nghe đâu Bình “kiểm” đánh Bảo “thái tử” hộc máu mũi và gí súng làm cậu ấm “anh Năm” bỏ chạy thục mạng đến... mất cả giày. Từ vụ này khởi đầu cho mối bất hòa lâu năm giữa hai thế lực giang hồ. Năm Cam dù tức giận nhưng vẫn ớn kho hàng nóng của Bình “kiểm”.

(Theo Công an TP.HCM)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news